Tiếp sức cho các hộ sản xuất, kinh doanh và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn

Việc triển khai thực hiện cho vay chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn do hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn tỉnh thực hiện thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho người dân nơi đây được vay vốn để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần tiếp sức, làm thay đổi diện mạo tại những vùng đất khó.

Nhiều hộ dân xã Thượng Ninh (Như Xuân) được vay vốn chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả.

Để tạo động lực phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng, miền, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 31/2007/QĐ-TTg (Quyết định 31) về tín dụng đối với hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn và năm 2009 tiếp tục ban hành Quyết định 92/2009/QĐ-TTg (Quyết định 92) về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn. Mục đích của hai quyết định là sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho vay phát triển SXKD, thương mại ở địa bàn khó khăn, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống Nhân dân, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Chương trình tín dụng đối với hộ SXKD tại vùng khó khăn được thực hiện từ năm 2007 với hạn mức cho vay đến 30 triệu đồng, không phải thực hiện bảo đảm tiền vay, từ trên 30 triệu đến 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nơi vùng đất khó, đến năm 2009, chương trình mở rộng cho vay đối tượng là thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn với hạn mức cho vay đến 30 triệu đồng và người vay không phải thực hiện bảo đảm tiền vay, vay trên 30 triệu đến 500 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Đến năm 2016, chương trình cho vay được điều chỉnh, mức vay đối với hộ gia đình SXKD tăng lên, tối đa là 50 triệu đồng; từ trên 50 triệu đến 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay; đối với thương nhân, mức cho vay tối đa là 50 triệu đồng, không phải thực hiện bảo đảm tiền vay, trên 50 triệu đến 500 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Như vậy, để hỗ trợ người dân nơi vùng đất khó, Chính phủ liên tục có sự điều chỉnh, bổ sung hạn mức cũng như lãi suất cho vay để hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thanh Hóa hiện có 318 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để đồng vốn của chương trình bao phủ khắp vùng, miền được thụ hưởng, trên cơ sở các quy định chung, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, NHCSXH Thanh Hóa đã nỗ lực triển khai các giải pháp, tăng cường mở rộng mạng lưới, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại mỗi xã, phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thị xã, thành phố đều đặt điểm giao dịch và tổ chức giao dịch trực tiếp vào ngày quy định. Cán bộ ngân hàng sẽ trực tiếp hướng dẫn các hộ dân xây dựng phương án sản xuất, lập hồ sơ theo quy định để đủ điều kiện vay vốn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua các tổ chức hội, đoàn thể. Đối với những thôn bản đặc biệt khó khăn, cán bộ ngân hàng trực tiếp xuống tuyên truyền, tư vấn tại hộ nhằm nâng cao nhận thức cũng như xác định khả năng đầu tư cho phù hợp quy mô hộ.

Bà Trương Thị Ển, xã Ái Thượng (Bá Thước), cho biết: “NHCSXH thực hiện cho vay vốn vùng khó khăn, gia đình tôi đã vay 40 triệu đồng để mua 2 con trâu, từ đó, mỗi năm trâu sinh sản một lứa, giờ đã thoát nghèo, gia đình cố gắng phát triển kinh tế bền vững hơn”.

Nằm ở huyện vùng cao Bá Thước, xã Ái Thượng hiện có 3 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Hơn 85% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo tới hơn 35%. Ngay khi có chương trình chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ vùng khó khăn, lãnh đạo địa phương đã phối hợp với cán bộ tín dụng NHCSXH Bá Thước trực tiếp xuống từng hộ dân, tư vấn, tuyên truyền các chương trình cho vay. Đồng thời, hỗ trợ người dân làm hồ sơ thủ tục hồ sơ vay vốn. Đến nay, toàn xã có hơn 600 hộ đang vay vốn NHCSXH với tổng dư nợ hơn 34,4 tỷ đồng, trong đó có 105 hộ gia đình tại thôn đặc biệt khó khăn đang vay vốn để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh.

Qua thực tế tìm hiểu, nhu cầu vay vốn để phát triển SXKD của người dân nơi vùng khó còn nhiều. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó giám đốc NHCSXH Thanh Hóa, cho biết: “Nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn vay của các hộ dân nơi vùng khó, mới đây, ngày 5-6-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg về tín dụng tại vùng khó khăn. Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 31 và Quyết định 92, có hiệu lực từ ngày 8-8-2023. Theo đó, mức vốn cho vay tại NHCSXH đối với một hộ SXKD tại vùng khó khăn được tăng từ tối đa 50 triệu đồng/người lên tối đa 100 triệu đồng/người, lãi suất cho vay bằng 9%/năm. Đối với thương nhân là cá nhân, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/cá nhân, trước đây thương nhân là cá nhân không mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán chỉ được vay tối đa 30 triệu đồng/cá nhân. Đối với thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật, mức vốn cho vay tối đa lên đến một tỉ đồng/tổ chức, trước đây tối đa 500 triệu đồng/tổ chức”.

Đây là tin vui đối với các hộ SXKD và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn có thêm điều kiện tiếp cận nguồn vốn lớn hơn để đầu tư mở rộng quy mô, tăng năng lực SXKD, phát triển kinh tế tại chính quê hương mình. Thời gian tới, NHCSXH Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ người dân và các thương nhân tại vùng khó khăn có điều kiện để phát triển SXKD, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Bài và ảnh: Lương Khánh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tiep-suc-cho-cac-ho-san-xuat-kinh-doanh-va-thuong-nhan-hoat-dong-thuong-mai-tai-vung-kho-khan/190400.htm