Tiếp sức cho các nền kinh tế châu Á
Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng đối với kinh tế thế giới, trong đó có châu Á. Trong bối cảnh đó, Chính phủ các nước trong khu vực đang tiếp tục triển khai nhiều bước đi quyết liệt, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn thách thức hiện nay.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo, năm 2020, nền kinh tế châu Á có thể đối mặt nguy cơ ngừng tăng trưởng lần đầu trong 60 năm, do đại dịch Covid-19 gây ra những tác động “chưa từng có tiền lệ” đối với các lĩnh vực dịch vụ và xuất khẩu. Các chuyên gia kinh tế của IMF nhận định, dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào lĩnh vực dịch vụ tại khu vực. Nhiều quốc gia xuất khẩu hàng đầu trong khu vực cũng đang gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng, khi nhu cầu hàng hóa của các đối tác thương mại chính, trong đó có Mỹ và các nước châu Âu, sụt giảm. Giám đốc IMF khu vực châu Á - Thái Bình Dương Chang-Dông Ri khẳng định, nền kinh tế khu vực đang trải qua giai đoạn đầy bất ổn và thách thức.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính Nhật Bản, thặng dư thương mại của nước này trong tháng 3 vừa qua giảm tới 99% so cùng kỳ năm 2019, do xuất khẩu chịu tác động của dịch bệnh. Cụ thể, xuất khẩu của Nhật Bản giảm 11,7% trong tháng 3, mức thấp nhất trong gần bốn năm qua. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ giảm 16,5%, sang châu Âu giảm 11,1% và sang Trung Quốc giảm 8,7%. Nhà kinh tế trưởng Viện nghiên cứu Nô-rin-chu-kin, ông Ta-kê-si Mi-na-mi nhận định, đây mới chỉ là những khó khăn ban đầu và xuất khẩu của nền kinh tế “xứ sở mặt trời mọc” có thể chịu nhiều sức ép hơn nữa trong thời gian tới. Tại Hàn Quốc, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) vừa công bố báo cáo cho thấy, kết quả hoạt động kinh tế của nước này trong quý I-2020 yếu nhất trong hơn 10 năm qua. Theo báo cáo mới của BOK, quý I-2020, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Hàn Quốc giảm 1,4% so cùng kỳ năm 2019. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ quý IV-2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Thái-lan (BOT) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này từ 2,8% xuống -5,3% trong năm 2020. BOT cũng đưa ra dự báo tăng trưởng âm trong tất cả các quý, với mức ảm đạm nhất trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6. Hiệp hội Các ngân hàng Thái-lan (TBA) nhận định, nền kinh tế nước này có thể bị mất 7,7% GDP do tác động của dịch bệnh. TBA cảnh báo, sự sụt giảm kinh tế có thể nghiêm trọng hơn nếu dịch bệnh không được kiềm chế vào cuối quý II tới. Đại dịch Covid-19 đã làm đình trệ hoạt động kinh tế của Thái-lan, nhất là lĩnh vực du lịch.
Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc quyết liệt chống dịch, ưu tiên hàng đầu của các nước trong khu vực là hỗ trợ nền kinh tế, bằng những “liều thuốc bổ” như hạ lãi suất và tung ra các gói cứu trợ lớn. Nhiều nước châu Á đang tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn thách thức hiện nay. Tiếp nối các nỗ lực trong thời gian qua, mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In đã công bố gói hỗ trợ quy mô lớn, lên tới hơn 32 tỷ USD, giúp các ngành kinh tế chủ chốt tránh rơi vào khủng hoảng do tác động của dịch Covid-19. Theo đó, các ngành vốn được xem là chủ lực ở “xứ sở kim chi” như hàng không, lọc dầu, chế tạo máy móc, đóng tàu và sản xuất ô-tô, sẽ được tiếp sức để đối phó các tác động của dịch bệnh.
Tại Trung Quốc, Ngân hàng trung ương nước này vừa giảm lãi suất cho vay cơ bản một năm từ 4,05% xuống 3,85%, nhằm thúc đẩy kinh tế và ngăn chặn sự suy sụp của thị trường tài chính. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Phi-li-pin cũng giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay, đưa lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 2,75%, để hỗ trợ nền kinh tế. Chính phủ Cam-pu-chia thông báo miễn thuế ba tháng cho các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ và những hãng lữ hành tại thủ đô Phnôm Pênh và các tỉnh bị tác động mạnh bởi dịch bệnh…
Giám đốc IMF khu vực châu Á - Thái Bình Dương Chang-Dông Ri nhận định, tác động của dịch Covid-19 đối với châu Á dự kiến sẽ rất nghiêm trọng, toàn diện và chưa từng có tiền lệ. Do đó, các nước châu Á cần tận dụng mọi công cụ chính sách để ứng phó. Giới phân tích kỳ vọng, với những bước đi quyết liệt trong thời gian qua, các nền kinh tế châu Á sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.