'Tiếp sức' cho du lịch Sóc Trăng
Để ngành du lịch phát triển có trọng tâm, trọng điểm, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều kế hoạch, đề án nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp cùng tham gia phát triển du lịch nhanh và bền vững. Đồng thời, hỗ trợ các cá nhân, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế địa phương.
Tiếp sức cho ngành du lịch
Tháng 1/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng đã tổ chức trao 1,5 tỷ đồng hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân theo Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, ngày 7/7/2020 của HĐND tỉnh Sóc Trăng quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2020 - 2025. Theo đồng chí Trần Minh Lý - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng, Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND quy định 10 chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 - 2025, với tổng kinh phí triển khai thực hiện là trên 76,8 tỷ đồng. Theo đó, ở đợt hỗ trợ này, có 5 tổ chức, cá nhân thụ hưởng chính sách gồm: chủ hộ kinh doanh Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới - Cà phê sân vườn Thuận Phát ở thị xã Vĩnh Châu với số tiền 200 triệu đồng; chủ hộ kinh doanh Duy Dũng ở huyện Cù Lao Dung với số tiền 100 triệu đồng; chùa Bô Tum Vong Sa Som Rông thành phố Sóc Trăng được hỗ trợ 1 tỷ đồng; chùa Hải Phước An và chùa Sêrey Kandal của thị xã Vĩnh Châu được hỗ trợ 100 triệu đồng.
Trong niềm vui, phấn khởi khi được tỉnh hỗ trợ, ông Châu Văn Tài - chủ hộ kinh doanh Trung tâm Hội nghị tiệc cưới - Cà phê sân vườn Thuận Phát, thị xã Vĩnh Châu chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động trưng bày các sản phẩm OCOP, quà lưu niệm để mang đến cho du khách sự trải nghiệm tốt nhất, thưởng thức trọn vẹn các đặc sản của địa phương. Sự quan tâm của tỉnh đã khích lệ tinh thần cho doanh nghiệp, là động lực để chúng tôi nâng chất hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch”.
Thông tin về kế hoạch đầu tư, mở rộng, phát triển thêm các dịch vụ phục vụ khách du lịch trong thời gian tới, Thượng tọa Lý Đức, chùa Bô Tum Vong Sa Som Rông cho biết, ngày 13/4/2023, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 905/QĐ-UBND công nhận chùa Bô Tum Vong Sa Som Rông là điểm du lịch của tỉnh. Sự hỗ trợ kịp thời của UBND tỉnh đã tạo điều kiện cho chùa đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của phật tử và du khách. Qua đó, chùa Som Rông không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Khmer Sóc Trăng, mà còn là điểm tham quan, chiêm bái cho du khách gần xa khi đến Sóc Trăng, góp phần cho sự phát triển của ngành du lịch địa phương.
Đồng chí Trần Minh Lý cho biết, trong năm 2024, đơn vị sẽ nỗ lực trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, tiếp tục khảo sát, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tiếp cận và tham gia vào hoạt động du lịch, đồng thời ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu trong hoạt động du lịch, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc triển khai, quán triệt nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đa dạng hóa các mô hình doanh nghiệp du lịch phù hợp với xu hướng và yêu cầu phát triển. Cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, điểm du lịch, các hộ cộng đồng, du lịch Sóc Trăng đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ.
Du lịch Sóc Trăng với nhiều hứa hẹn
Sóc Trăng với bờ biển dài 72km, có 3 cửa sông lớn là Trần Đề, Định An và Mỹ Thanh nên rất thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy. Toàn tỉnh có 5 tuyến quốc lộ kết nối Sóc Trăng với các tỉnh, thành phố trong và ngoài khu vực để phát triển du lịch. Sóc Trăng còn là vùng đất kết tinh nét văn hóa đặc sắc của các cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Hoa thể hiện qua hệ thống chùa chiền đa dạng, kiến trúc đặc sắc, lễ hội văn hóa đặc trưng. Ở các huyện, thị xã, thành phố đều có các di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh và cấp quốc gia. Nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức hằng năm, trong đó Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo đã được nâng lên Lễ hội cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã đầu tư trên 2.500 tỷ đồng để đầu tư, cải tạo và nâng cấp nhiều công trình giao thông phục vụ dân sinh và phát triển du lịch, như: tuyến đường vào di tích Đền thờ Bác Hồ ở huyện Cù Lao Dung, Khu Văn hóa tín ngưỡng Thiền viện Trúc Lâm, Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng; đầu tư các công trình văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ du khách, như: Tượng đài chiến thắng Chi khu Ngã Năm, Nhà lưu niệm cô Bảy Huệ, Nhà lưu niệm và tượng đài Bác sĩ Nông học Lương Định Của... Ngoài ra, tỉnh còn khai thác nhiều dự án để phát triển sản phẩm du lịch từ nguồn kinh phí xã hội hóa, công nhận 4 điểm du lịch, hình thành một số sản phẩm du lịch như du lịch văn hóa lễ hội - ẩm thực - mua sắm tại thành phố Sóc Trăng, du lịch văn hóa lịch sử về nguồn Khu căn cứ Tỉnh ủy, du lịch cộng đồng chợ nổi Ngã Năm, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước và Cù Lao Dung…
“Chắp cánh” cho du lịch Sóc Trăng, tháng 4/2022 UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, với tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án là 3.588,5 tỷ đồng.
Mục tiêu chung của dự án là đến năm 2025, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản phẩm du lịch hình thành rõ nét, đặc trưng, có sức cạnh tranh, hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp. Đến năm 2030, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.
Đề án cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là công nhận thêm 4 điểm du lịch, từ 1 - 3 khu du lịch; có từ 3 - 5 khách sạn 3 sao và 1 khách sạn 4 sao; thu hút khoảng 2.600.000 lượt khách, trong đó có 50.000 lượt khách quốc tế; doanh thu từ khách du lịch đạt 1.450 tỷ đồng; có 80% các khu, điểm du lịch đạt môi trường tự nhiên xanh - sạch - đẹp; 100% khu, điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Đến năm 2030 sẽ công nhận thêm 3 điểm du lịch, từ 1 - 2 khu du lịch, có từ 2 - 3 khách sạn 4 sao trở lên; thu hút khoảng 3.585.000 lượt khách với doanh thu đạt 3.500 tỷ đồng…
Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng, năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt 2.900.810 lượt, đạt 127% kế hoạch năm, tăng 3,8% so năm 2022 (2.794.740 lượt); tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.550 tỷ đồng, đạt 154% kế hoạch năm, tăng 4,4% so năm 2022 (1.484 tỷ đồng). Tỉnh đã vận hành hiệu quả Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Sóc Trăng và đã cập nhật 1.053 địa điểm, công ty lữ hành, số hóa 3D liên kết vào hệ thống 1 điểm, số hóa mã QR 14 điểm, liên kết mã QR 11 loại ấn phẩm du lịch của tỉnh Sóc Trăng vào cổng du lịch thông minh…
Theo Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2024, ngoài tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước, đơn vị còn tham mưu triển khai thực hiện Đề án xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Sóc Trăng, Đề án chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Sóc Trăng, Dự án phát triển du lịch sinh thái rừng tràm kết hợp du lịch văn hóa về nguồn tại Khu Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Hiện trung tâm đang triển khai xây dựng Đề tài Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội văn hóa sông nước mang bản sắc của tỉnh Sóc Trăng nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với tiềm năng du lịch văn hóa, du lịch sông nước của tỉnh.
“Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Sóc Trăng tại các sự kiện du lịch trong và ngoài nước, tỉnh còn triển khai thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tích hợp các công cụ hiện đại trong chương trình xúc tiến du lịch, triển khai kích cầu du lịch nội tỉnh, tư vấn xây dựng thương hiệu cho các địa bàn du lịch trọng điểm, các sản phẩm du lịch chủ lực của địa phương… Tin rằng, các đề án, dự án triển khai hiệu quả sẽ góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh” - đồng chí Lê Hoàng Yến - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Sóc Trăng chia sẻ.