Tiếp sức cho hàng Việt

Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' triển khai trên địa bàn Bình Thuận cũng hướng đến tiếp sức cho hàng Việt bằng các hoạt động thiết thực. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách đối với mặt hàng, sản phẩm chủ lực thông qua tiêu chí hiệu quả kinh tế và tăng trưởng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, thu hút lao động tham gia...

Tiếp sức cho hàng Việt

 Sản phẩm sản xuất trong nước được giới thiệu tại một điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt”.

Sản phẩm sản xuất trong nước được giới thiệu tại một điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt”.

Riêng các ngành liên quan như Sở Kế hoạch - Đầu tư cũng làm việc và cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Bình Thuận, các hiệp hội ngành nghề tỉnh vận động doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án sử dụng, tiêu thụ hàng hóa của nhau hoặc sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh… Được biết hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một chuỗi cung ứng các sản phẩm từ nguyên liệu giấy đến sản xuất bao bì. Đồng thời xúc tiến cung ứng bao bì cho các doanh nghiệp thu mua thanh long, chế biến thủy sản và các doanh nghiệp có nhu cầu khác về bao bì. Hay như doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thì ký kết hợp đồng cung cấp và tiêu thụ nhiên liệu với các doanh nghiệp hội viên, doanh nghiệp của tỉnh.

Với trách nhiệm của mình, Sở Khoa học - Công nghệ tích cực hướng dẫn tổ chức, cá nhân xác lập quyền sở hữu công nghiệp và kịp thời cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” dùng cho các sản phẩm nước mắm. Tiếp đó còn hỗ trợ Hiệp hội Thanh long Bình Thuận bổ sung tài liệu đối với hồ sơ đăng ký nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT, hình” tại Hồng Kông và Singapore. Tập trung hướng dẫn các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm, hàng hóa theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật…

Ở lĩnh vực nông nghiệp, ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức 24 lớp tập huấn, phổ biến kiến thức mới phục vụ cho sản xuất - kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp... Trong năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tập trung tăng cường công tác quản lý chất lượng giống thủy sản trên địa bàn Bình Thuận. Thông qua theo dõi tình hình nhập khẩu con tôm giống bố mẹ và kiểm tra các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đã góp phần đảm bảo nguồn tôm giống chất lượng tốt, có thương hiệu cung cấp ra thị trường. Cùng tiếp sức cho hàng Việt, Sở Công Thương đã phối hợp thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đề án khuyến công quốc gia và địa phương. Đây là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư máy móc, thiết bị nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nhờ vậy giúp các doanh nghiệp trong tỉnh có điều kiện tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu… Thời gian qua Sở Công Thương cũng tổ chức khảo sát một số điểm bán hàng tại nhiều huyện để lựa chọn, hỗ trợ kinh phí xây dựng 4 điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt”. Ngoài ra còn phối hợp đưa “Phiên chợ hàng Việt” về huyện đảo Phú Quý, Bắc Bình, Tuy Phong, Tánh Linh với 100% hàng hóa có nguồn gốc sản xuất trong nước, chất lượng tốt và giá cả giảm từ 10 - 30% so sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường.

Với sự quan tâm hỗ trợ tiếp sức, hàng Việt có chất lượng dần tìm chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngày càng được người dân địa phương cũng như du khách tại Bình Thuận tin dùng và ưu tiên lựa chọn khi mua sắm...

Đ.QUỐC

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/tiep-suc-cho-hang-viet-133356.html