Tiếp sức cho học sinh Pú Xi đến trường
ĐBP - Pú Xi là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo, có địa hình chia cắt phức tạp, đồi núi cao, giao thông đi lại giữa các bản còn nhiều trở ngại. Trước đây, tình trạng học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần diễn ra phổ biến. Từ khi thực hiện mô hình trường học bán trú, các em được chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, tỷ lệ học sinh chuyên cần đến lớp đã được nâng lên rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bữa ăn trưa của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Pú Xi.
Đúng 11 giờ 30 phút hàng ngày, sau khi kết thúc giờ học trên lớp, học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Pú Xi tập trung tại khu nhà bếp để nhận suất cơm trưa. Những suất cơm được các cán bộ, giáo viên nhà trường chuẩn bị sẵn trong khay với đầy đủ thức ăn.
Do nhà ở cách xa trường hơn 16km, em Lò Văn Nam lớp 9A1 đã được ở bán trú tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Pú Xi. Trước đây do đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, việc đến trường là một trở ngại rất lớn đối với Nam. Từ nhà đến trường hết nửa ngày đường đi bộ leo dốc, trèo đèo, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên nếu không được ở bán trú tại trường thì chắc em cũng không thể theo học. Em Nam chia sẻ: “Ở bán trú, được hỗ trợ tiền ăn, được thầy cô nấu cơm hàng ngày, có chỗ ở, chăn ấm, được thầy cô dạy chữ, được vui chơi với các bạn. Nhớ bố mẹ, vài tuần lại về nhà một lần”. Còn em Hờ Thị Mang chia sẻ: “Ở đây, chúng em được nhà trường, các thầy, cô chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến việc học hành. Phòng ở được xây dựng khang trang, sạch sẽ, đủ chăn ấm cho mùa đông. Bởi vậy, chúng em rất vui khi được sống và học tập ở đây”.
Trường PTDTBT tiểu học và THCS Pú Xi nằm trên địa bàn khó khăn, cách trung tâm huyện hơn 60km. Mặc dù mới được thành lập và đi vào hoạt động đầu năm học 2020 - 2021, trên cơ sở sáp nhập với trường tiểu học, thành Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Pú Xi, được Quỹ Trò nghèo vùng cao đầu tư xây dựng với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng; vốn đối ứng của huyện 6 tỷ đồng. Trường được xây dựng khang trang gồm nhà lớp học, nhà công vụ, nhà nội trú, nhà hiệu bộ, nhà ăn. Trường có tổng số 834 học sinh ở đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông. Hầu hết học sinh ở các bản xa trung tâm xã từ 15 - 20km đường đồi núi, số học sinh bán trú của nhà trường hơn 310 em, được chia ở 20 phòng.
Theo chế độ, mỗi học sinh bán trú được hưởng 596.000 đồng và 15kg gạo/tháng; nhà trường tổ chức 3 bữa/ngày gồm 2 bữa chính và một bữa sáng với chế độ dinh dưỡng đảm bảo. Để có nguồn thực phẩm phong phú, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trường đã ký hợp đồng với đơn vị cung ứng thực phẩm uy tín, đồng thời tổ chức tăng gia, trồng rau xanh để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn cho học sinh. Các thầy, cô giáo thay phiên nhau đi chợ làm bếp, lựa chọn thực phẩm an toàn cho các bữa ăn, cũng như quản lý học sinh. Giáo viên của trường còn tổ chức tăng gia, nuôi lợn và trồng rau xanh để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn cho học sinh.
Thầy Bùi Đức Trọng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Pú Xi cho biết: “Từ khi triển khai mô hình trường học bán trú, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng không còn, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. Các em được ăn, ở với điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo nên phụ huynh yên tâm gửi gắm con em tại trường. Ngoài giờ lên lớp, những học sinh ở bán trú còn được các thầy, cô hướng dẫn tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao, tăng gia sản xuất như trồng rau xanh và rèn luyện kỹ năng sống, các em học sinh bán trú được chăm sóc tương đối toàn diện từ nơi ăn chốn ngủ, từ đó các em có điều kiện quan tâm việc học của mình hơn, chất lượng giáo dục của nhà trường cũng được nâng lên”.
Mô hình trường học bán trú đã thực sự nâng cao chất lượng giáo dục nhất là tỷ lệ đi học chuyên cần ở xã vùng cao như Pú Xi. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt trên 90%. Đặc biệt, đối với học sinh ở bán trú, ngoài việc học, thông qua các hoạt động trồng cây, tăng gia sản xuất, các em được rèn luyện thêm kỹ năng sống và tự biết chăm sóc bản thân mình hơn khi sống xa nhà.