'Tiếp sức' cho người dân và doanh nghiệp
Bộ Tài chính liên tục rà soát các cơ chế chính sách để có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp. Khi quy định về giảm 30 khoản phí, lệ phí sắp hết hiệu lực, ngay lập tức Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo thông tư mới, đề xuất kéo dài đến giữa năm 2022. Trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đã thực hiện lời hứa tiếp tục đề xuất các giải pháp hỗ trợ thuế, phí, 'tiếp sức' cho doanh nghiệp và người dân.
Đề xuất giảm nhiều khoản phí, lệ phí trong nửa năm 2022
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chính sách tài khóa đã được điều chỉnh linh hoạt nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp các khoản thuế và tiền thuê đất, phí, lệ phí. Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Tổng giá trị hỗ trợ về thuế năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng; trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, hỗ trợ về thuế khoảng 118 nghìn tỷ đồng; trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm trên 3 nghìn tỷ đồng.
Nguồn: Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đồ họa: Hồng Vân
Vừa qua, trước tác động nghiêm trọng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Bộ Tài chính đã đề xuất, trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 4 giải pháp bổ sung về miễn, giảm thuế gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng; miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác trong các quý III và IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại các địa bàn chịu tác động của dịch Covid-19; giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong nhiều ngành nghề; miễn tiền chậm nộp phát sinh đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ năm 2020.
Tính chung các giải pháp hỗ trợ bổ sung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định như trên, thì tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất mà Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 138 nghìn tỷ đồng.
Doanh nghiệp yên tâm, đồng hành cùng Chính phủ
Trả lời báo chí gần đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, trong quá trình xây dựng các giải pháp hỗ trợ nêu trên, Bộ Tài chính đã tham khảo ý kiến rộng rãi của cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm đảm bảo các giải pháp đưa ra là thiết thực, nhanh chóng tới được các đối tượng gặp khó khăn thực sự. Các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện đều quy định rõ các đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế được gia hạn, miễn, giảm, số thuế còn phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi.
35 khoản phí, lệ phí được đề xuất giảm từ 10 - 50%
Mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, có 35 khoản phí, lệ phí được đề xuất giảm từ 10 - 50%, nhằm tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiều mức thu phí, lệ phí được Bộ Tài chính đề xuất giảm sâu, như: giảm 50% mức thu nhiều khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; giảm 50% lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; giảm 50% phí chăn nuôi…
Theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, Bộ Tài chính tiếp tục tổng kết, đánh giá kết quả các giải pháp đã và đang được thực hiện, đồng thời căn cứ điều kiện và diễn biến thực tế của dịch bệnh và yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp.
Trong bối cảnh phải thực hiện rất nhiều các khoản chi cho phòng, chống dịch Covid-19, nền kinh tế lại gặp nhiều khó khăn tăng trưởng không như dự kiến, chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được các chuyên gia kinh tế, hiệp hội doanh nghiệp đánh giá là hiệu quả, rõ nét nhất, thể hiện quan điểm đồng hành của Chính phủ với người dân, doanh nghiệp.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho hay, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, các chính sách miễn, giảm thuế được ban hành và thực thi có ý nghĩa rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp. Đây sẽ là dòng tiền giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mà không phải vay vốn.
Chuyên gia tài chính, Giảng viên Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - ông Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, làn sóng đại dịch lần thứ 4 gây tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp. Khả năng ứng phó, thích ứng của doanh nghiệp cũng khó khăn hơn nhiều so với những làn sóng trước đó. Do đó, vị chuyên gia này đánh giá cao việc Chính phủ liên tục giao các bộ, ngành thiết kế các chính sách hỗ trợ. Các giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ như vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch là rất hợp tình, hợp lý. Hay như giải pháp miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 và không phạt phần nộp chậm có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, khiến đông đảo doanh nghiệp yên tâm, đồng hành cùng Chính phủ.