Tiếp sức cho người giữ rừng

Làm sao vừa bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa làm tròn trách nhiệm với gia đình, người thân... vẫn là niềm trăn trở bao năm nay của những người 'gác rừng'.

Phút nghỉ ngơi của các cán bộ Khu BTTN Pù Luông trong chuyến tuần rừng.

Phút nghỉ ngơi của các cán bộ Khu BTTN Pù Luông trong chuyến tuần rừng.

Bộn bề giữa muôn ngàn nỗi lo

5 giờ sáng, cái lạnh cắt da cắt thịt trên đỉnh Cao Sơn (tên gọi chung của 3 bản Son, Bá, Mười, thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước) khiến nhiều người ái ngại. Làn sương mù trắng bạc dày đặc bao phủ dãy Pù Luông, giăng kín lối đi, cách nhau vài mét không rõ mặt. Sớm là vậy, nhưng các cán bộ kiểm lâm địa bàn của Trạm Kiểm lâm làng Mười, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông đã dậy từ trước đó và chuẩn bị xong lương thực, thực phẩm, tư trang cho công việc tuần rừng. Trung bình mỗi chuyến, anh em phải đi trong nhiều ngày, mỗi ngày di chuyển trên vài chục cây số. Ngồi bên bếp lửa uống cốc chè đặc cho ấm người, Trạm trưởng Vũ Văn Hà chia sẻ: “Giờ thì lạnh nhưng đi rừng một lúc là nóng, mình chỉ cần khoác áo nhẹ là được. Nhưng vẫn phải nhét vào ba lô cái áo ấm, đêm rừng lạnh lấy ra mặc”.

Hơn 6 giờ, đoàn tuần rừng bắt đầu xuất phát. Lúc này, mặt trời còn chưa ló rạng; dưới đất, gió rét, sương rơi “quấn” lấy chân người. Cả đoàn đi sâu vào vùng lõi khu bảo tồn được gần 1 tiếng đồng hồ thì bắt gặp một nhóm người đang có mặt ở đây. Theo kinh nghiệm đi rừng, các cán bộ kiểm lâm nhận định, nhóm người không cầm theo các dụng cụ đặt bẫy săn bắt các loại thú nhỏ như sóc, chuột rừng... thì thường vào rừng để lấy phong lan, măng rừng. Các cán bộ yêu cầu những người này ra khỏi rừng và giải thích để cho họ hiểu về việc làm của họ là vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. “Những hành vi như vậy, chúng tôi chỉ nhắc nhở, nếu vi phạm lần 2 sẽ lập biên bản theo quy định” - anh Hà nói và giải thích thêm: “Ngoài nhiệm vụ chính của anh em ở đây là tuần rừng, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, cán bộ kiểm lâm còn tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện các chủ trương, chính sách về lâm nghiệp, ngoài ra xây dựng kế hoạch tuần, kế hoạch tháng về công tác thông tin, tuyên truyền đến với người dân sống gần rừng”.

Sau khi 2 người trên ngược ra ngoài rừng theo yêu cầu của cán bộ kiểm lâm địa bàn, đoàn tiếp tục men theo đường rừng trơn trượt lúc rẽ ngang, lúc tụt xuống dốc và có lúc lại vượt qua những con suối, đi trên những tảng đá trơn trượt với bề mặt phủ đầy rêu để lên tiểu khu 256. Trước đó, trạm nhận nguồn tin của người dân, có một cây sến cổ thụ bị đổ do già cỗi hay gió bão, các anh phải đến để kiểm tra, kiểm đếm số cây rừng bị đổ do gió bão hay những khu vực có gỗ quý... Anh Hà cho biết: “Đi riết nên khu vực rừng rộng cả ngàn hec-ta cũng giống như mảnh vườn nhà mình. Rừng chỗ nào có cây gì, rau gì, hoa gì; khu vực suối nào có nhiều cá, nhiều ếch, nhiều vắt... anh em trong trạm đều thuộc như lòng bàn tay”.

Giữa mùa đông với cái lạnh cắt da cắt thịt nhưng các thành viên trong đoàn ai cũng vã mồ hôi. 11 giờ trưa, đoàn dừng chân bên dòng suối để ăn trưa. Bữa trưa chóng vánh qua đi, anh Hà giục mọi người lên đường sớm trước khi trời đổ cơn mưa. Với những người giữ rừng, đi tuần tra sợ nhất là những lúc gặp những trận mưa rừng, lũ quét đến bất chợt. Chưa kể, môi trường ẩm ướt các loại sinh vật như rắn, côn trùng hay thực vật có độc có thể tấn công lực lượng bất cứ lúc nào. Anh Hà chia sẻ: “Mùa nào cũng mệt, mùa này đi rừng vất vả nhưng anh em còn chia nhau, mỗi tháng được khoảng ba đến bốn ngày về với vợ con, gia đình. Còn mùa khô thì bắt buộc anh em phải trực đủ quân số, không có ngày nghỉ. Bởi chỉ cần một mẩu tàn thuốc lá của người dân đi rừng lấy mật ong rơi xuống thảm thực bì, cả khu rừng phút chốc sẽ biến thành biển lửa. Mình làm nhiệm vụ mà để xảy ra một vụ xâm hại đến tài nguyên rừng là anh em phải đối diện với một “mức án” kỷ luật treo lơ lửng trên đầu”.

Đường đi tuần của các cán bộ Khu BTTN Pù Luông vô cùng gian nan.

Đường đi tuần của các cán bộ Khu BTTN Pù Luông vô cùng gian nan.

Do quanh năm ở trong rừng rú, điều kiện sống khó khăn nên nhiều cán bộ kiểm lâm mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng nom đến già dặn. Đã thế lại còn nghèo. Nếu nói về lương, sẽ có hàng ngàn chiến sĩ kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng tủi thân. Thật khó có thể hình dung một lực lượng gồng gánh trách nhiệm giữ hàng trăm, hàng nghìn ha rừng mà thu nhập có người vỏn vẹn 4 - 5 triệu đồng/tháng... Trong khi, kiểm lâm là một nghề đặc biệt, ngoài kiến thức cơ bản còn phải có sức khỏe, lòng dũng cảm và một trái tim sắt đá.

Em Lê Đăng Trường, sinh năm 1997, người huyện Cẩm Thủy. Tốt nghiệp Trường Đại học Lâm nghiệp, Trường vào làm hợp đồng bảo vệ rừng tại Khu BTTN Pù Luông từ năm 2020, nhưng lương hiện tại chỉ được 5 triệu đồng/tháng. Trừ tiền ăn uống, chi phí đi lại, gần như không còn tiền gửi về cho gia đình. Nhiều lúc trực đêm trong rừng, ngẫm nghĩ về cuộc đời, Trường lại thấy chạnh lòng vì tương lai mù mịt quá. Trường trải lòng: “Lương thấp, công việc vất vả lại xa nhà, vợ em nhiều lần khuyên đổi sang làm việc khác. Nhưng trót theo nghề rồi nên em phải cố gắng thôi. Giờ chỉ mong mình luôn khỏe mạnh, không đau ốm để có thể hoàn thành tốt công việc”.

Thực tế trong những năm qua, có một vài anh em không “cố” nổi do nhà xa, thu nhập thấp, áp lực công việc quá lớn nên dẫu vẫn yêu nghề đã phải xin ra khỏi ngành. Trong số này có anh Tào Văn Khoa, người Thọ Xuân. Tôi vẫn còn nhớ, chuyến rừng đầu tiên của tôi là anh đưa đi. Thậm chí ngày về, chúng tôi bị lỡ xe anh đã không ngần ngại chạy hơn 100km bằng xe máy chở chúng tôi về nhà trong đêm. Anh em chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Trong những cuộc gọi thi thoảng anh chia sẻ: “Chắc tới đây anh nghỉ thôi, lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống, trong khi đó lại có muôn vàn áp lực đi kèm".

Gắng gượng thêm một thời gian, cách đây 2 năm anh Khoa xin thôi việc, chính thức chia tay nghiệp kiểm lâm sau gần 10 năm gắn bó. Về làm nghề tự do, đồng lương chưa hẳn đã khá hơn nhưng bù lại được gần vợ, gần con, có thời gian chăm lo cho gia đình, trên hết là xóa nhòa tâm lý bất an thường trực do đặc thù công việc.

Theo Trạm trưởng Vũ Văn Hà, đối với nghề giữ rừng, ngoài những khó khăn về công việc thì áp lực về kinh tế được xem là trở ngại lớn nhất đối với những cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm. Khi kinh tế không đảm bảo sẽ kéo theo tâm lý làm việc, cuộc sống gia đình bất ổn. “Nói ra thì người ta bảo kêu nghèo, kể khổ nhưng thực tế là như vậy. Bản thân tôi làm công việc “giữ rừng” đã gần 30 năm, đến nay lương cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng, nếu không yêu nghề, yêu rừng thì khó mà bám trụ lại được”, anh Hà chia sẻ và cho biết, lương của các anh em còn lại trong trạm chỉ được khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng, như vậy rất khó đảm bảo cuộc sống.

Để người giữ rừng yên tâm cống hiến

Khu BTTN Pù Luông tổng diện tích 16.999,81ha, toàn bộ là rừng đặc dụng nằm trên địa phận của 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa. Nơi đây mang trên mình những giá trị đặc biệt trong bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học, du lịch, cung cấp lâm sản, nguồn dược liệu quý... và là nơi lưu giữ, bảo tồn các mẫu, nguồn gen có giá trị trong nước cũng như trên thế giới. Đề cập về những khó khăn, vất vả của những người “giữ rừng”, anh Phạm Văn Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông chia sẻ, dù địa bàn quản lý rộng, địa hình phức tạp nhưng vốn rừng ở đây luôn được giữ vững, ngày càng phát triển, đảm bảo tính năng phòng hộ, cảnh quan, môi trường sinh thái trong vùng. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm đầu tư nguồn vốn bảo vệ và phát triển rừng, sự phối hợp giúp đỡ của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, cùng với đội ngũ những người “giữ rừng” của đơn vị luôn yêu nghề, nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nhận được tin báo của người dân, các cán bộ Khu BTTN Pù Luông vào rừng kiểm tra.

Nhận được tin báo của người dân, các cán bộ Khu BTTN Pù Luông vào rừng kiểm tra.

Tuy nhiên, đi liền với đó là những khó khăn, thách thức như diện tích rừng rộng lớn, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng mỏng, chế độ đãi ngộ thấp, trong khi quyền hạn chức năng thì hạn chế... Điều này đã làm xao động tâm lý của một nhóm người lao động. Theo anh Hùng, cán bộ kiểm lâm lâu nay được xem là lực lượng nòng cốt thực hành pháp luật về lâm nghiệp, gắn với đồng bào dân tộc thiểu số, công tác chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Thế nhưng về chính sách được hưởng, họ không có nhiều khác biệt so với cán bộ ở các lĩnh vực cùng khu vực công tác. Ngoài lương, họ được hưởng phụ cấp vùng, phụ cấp thâm niên, chính sách thu hút cán bộ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn... Khi các xã vùng III (xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ngày càng giảm, điều kiện công tác chưa có nhiều thay đổi nên không nhiều người trong số họ được hưởng chính sách này (5 triệu đồng/tháng trong 5 năm đầu đến công tác ở xã vùng III). Đó còn chưa kể, phương tiện phục vụ quá trình thực thi nhiệm vụ họ phải tự túc, trong khi công tác phí được cấp không đáp ứng đủ nhu cầu công việc.

Với lực lượng bảo vệ rừng, mỗi dịp tết đến, xuân về tâm lý của họ càng bị xáo trộn nặng nề. Quanh năm biền biệt xa nhà, đồng lương chưa đủ nuôi thân biết lấy gì mà tích cóp, đỡ đần người thân. Có lẽ, niềm an ủi duy nhất đối anh cũng như các cán bộ nơi đây là sự an toàn của hơn 16.000ha rừng đặc dụng này. Sâu thẳm trong ánh mắt mỗi một người “cận vệ” rừng là sự mong mỏi, mong lương tăng, mong có thêm phụ cấp, thêm chế độ đãi ngộ để trước mắt là đảm bảo cuộc sống, yên tâm công tác, cống hiến với nghề. Như vậy, các anh sẽ được tiếp thêm sức mạnh để theo đuổi đam mê, để những bước chân không còn dang dở... Còn trên đỉnh Pù Luông, sương đã tan, mây đã quang, rừng vẫn ngằn ngặt xanh như tự ngàn năm vẫn vậy.

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tiep-suc-cho-nguoi-giu-rung-35060.htm