Tiếp sức cho sản xuất nông nghiệp

Để thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, những năm qua, cùng với tập trung nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn, phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế, khả năng, nhu cầu của các hộ dân, tính khả thi của các dự án, huyện Thanh Thủy cân đối, lồng ghép, huy động các nguồn lực hỗ trợ để đầu tư xây dựng mô hình, dự án sản xuất theo hướng hàng hóa.

Theo đó, huyện tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ những khâu khó, khâu mới trong quá trình thực hiện, ưu tiên những dự án ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình an toàn; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu; xúc tiến thương mại cho đến khi đạt được mục tiêu của cơ chế hỗ trợ.

Từ các chính sách hỗ trợ phát triển, hoàn thiện sản phẩm, Công ty TNHH Maika Food ở xã Xuân Lộc đã có 7 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Từ các chính sách hỗ trợ phát triển, hoàn thiện sản phẩm, Công ty TNHH Maika Food ở xã Xuân Lộc đã có 7 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Để các nguồn vốn hỗ trợ phát huy hiệu quả, căn cứ các văn bản chỉ đạo của huyện và tình hình thực tế, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện. Đồng thời đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, đảm bảo các chính sách hỗ trợ được phổ biến tới tất cả các tổ chức, cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Bên cạnh thực hiện triệt để các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện tích cực vận động nguồn lực xã hội hóa, có sự đối ứng về vốn, đất đai, lao động của các đối tượng trong diện thụ hưởng...

Để bảo toàn nguồn vốn, UBND huyện thường xuyên thành lập đoàn kiểm tra, giám sát, nghiệm thu kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ; tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ quản lý, chủ thể dự án, người lao động trong vùng thực hiện dự án biện pháp quản lý quy trình sản xuất theo đúng hướng dẫn.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết 22/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, huyện Thanh Thủy đã tập trung chỉ đạo triển khai, rà soát, đối chiếu với các quy định về quy mô, đối tượng và đã có một số dự án đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

Trong đó phải kể đến việc hỗ trợ quy trình sản xuất đối với diện tích bưởi thời kỳ kinh doanh, huyện tập trung hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã bưởi quả với kinh phí hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) với kinh phí hỗ trợ 123 triệu đồng.

Về hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đã có dự án liên kết chăn nuôi và tiêu thụ lợn thịt an toàn sinh học do Công ty CP thực phẩm hữu cơ NTEA chủ trì liên kết với quy mô 6.800 con/năm được hỗ trợ với kinh phí hơn 4 tỷ đồng...

Cùng với thực hiện hỗ trợ các dự án quy mô lớn, có tính khả thi, các chính sách hỗ trợ thưởng cho các chủ thể có sản phẩm đạt chuẩn OCOP lần đầu cũng được triển khai tích cực, kịp thời.

Đối với thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/HU, ngày 29/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, cân đối nguồn ngân sách của huyện để đảm bảo cho việc hỗ trợ đạt mục tiêu đề ra.

Huyện đã trích ngân sách gần 400 triệu đồng để hỗ trợ mô hình lúa chất lượng cao ST25, Hương Ưu 98 thực hiện tại xã Đồng Trung và Đoan Hạ; hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, công tác thẩm định, đánh giá các sản phẩm OCOP; hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và các chủ thể tham gia chương trình...

Có thể thấy, từ các nguồn vốn hỗ trợ đã góp phần không nhỏ trong việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, không những làm thay đổi tư duy, tập quán canh tác của người dân mà còn tạo sức lan tỏa, động lực cho Nhân dân yên tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững cho sản phẩm nông nghiệp địa phương. Đến nay, giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản của Thanh Thủy đạt 135 triệu đồng/ha.

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tiep-suc-cho-san-xuat-nong-nghiep-215160.htm