Tiếp tay cho 'trùm buôn lậu' Mười Tường, nguyên Trưởng trạm Cảnh sát đường thủy lãnh án 8 năm tù
Sau 3 ngày xét xử và nghị án, chiều 26/10, Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên án các bị cáo Nguyễn Văn Võ (55 tuổi, ngụ huyện Châu Phú, An Giang); Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường, 54 tuổi); Mai Văn Đẹp (67 tuổi) và Tống Trường Giang (40 tuổi), cùng ngụ huyện An Phú (tỉnh An Giang) về tội 'Buôn lậu'. Các bị cáo trên liên quan vụ án buôn lậu 80 tấn đường từ Campuchia về Việt Nam, xảy ra vào năm 2012.
Cụ thể, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường) 13 năm tù giam (tổng hợp hình phạt 3 bản án trước đó của Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, buộc bị cáo Hạnh phải chấp hành hình phạt chung cho các bản án là 30 năm tù). Đồng thời, giao nộp 1,2 tỷ đồng thu lợi bất chính vào công quỹ Nhà nước; bị cáo Nguyễn Văn Võ (nguyên Trưởng trạm Cảnh sát đường thủy Tân Châu) 8 năm tù giam; 2 bị cáo Mai Văn Đẹp và Tống Trường Giang 7 năm tù giam. Cùng với đó, xử phạt bổ sung bị cáo Hạnh 100 triệu đồng, bị cáo Võ 50 triệu đồng sung vào công quỹ Nhà nước.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh An Giang, ngày 15/3/2012, Nguyễn Thị Kim Hạnh thành lập Doanh nghiệp tư nhân Huỳnh Phát Đạt, ngành nghề mua bán đường, nhưng để Trần Văn Phương (Đôn)- người làm thuê cho Hạnh đứng tên chủ doanh nghiệp. Hạnh trực tiếp điều hành hoạt động doanh nghiệp.
Để có nguồn đường bán, Hạnh mua đường nhập lậu từ Campuchia đem về Việt Nam bán lại. Nhằm tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, Hạnh gặp bị cáo Nguyễn Văn Võ (lúc này đang công tác tại Phòng Cảnh sát đường thủy Công an An Giang, giữ chức vụ Trưởng trạm Cảnh sát đường thủy Tân Châu) nhờ Võ "tạo điều kiện" vận chuyển đường lậu bằng ghe từ Campuchia vào Việt Nam qua đường biên giới xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang).
Võ đồng ý giúp đỡ bằng cách: Khi ghe chở đường lậu của Hạnh đi qua đoạn sông thuộc địa bàn của mình quản lý, thì Võ cho canô có gắn bảng hiệu Phòng Cảnh sát Đường thủy Công an An Giang áp tải ghe đường của Hạnh, để vận chuyển vào nội địa, không bị lực lượng khác bắt giữ.
Khoảng 17 giờ, ngày 22/12/2012, Nguyễn Thị Kim Xuyến (chị ruột Hạnh) gọi điện cho các bị cáo Đẹp, Giang lấy ghe (thuyền) gỗ biển số AG-20735, chạy từ bến đò Cồn Tiên (huyện An Phú, tỉnh An Giang) qua kho đường tại Campuchia nhận 80 tấn đường chở về Việt Nam. Đến khoảng 22 giờ, ngày 23/12/2012, sau khi nhận 80 tấn đường (1.600 bao, mỗi bao loại 50kg), Hạnh gọi điện cho Đẹp, Giang chở đường về Việt Nam và dặn khi qua khu vực biên giới thuộc địa phận Việt Nam thì điện cho Hạnh biết.
Khi Giang, Đẹp chạy ghe chở đường đến đoạn sông Tiền cách biên giới Campuchia khoảng 150m, thì Võ điều khiển canô chở Tổ Công tác của Trạm Cảnh sát đường thủy Tân Châu gặp ghe của Giang, Đẹp.
Lúc này, Võ biết Giang, Đẹp là người làm thuê cho Hạnh chở đường, nên không yêu cầu kiểm tra giấy tờ liên quan đến phương tiện, hàng hóa và yêu cầu điều khiển ghe theo hướng dẫn, còn Võ lên canô chạy theo sau cách ghe khoảng 20m để cảnh giới, can thiệp khi bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ.
Khoảng 2 giờ, ngày 24/12/2012, ghe đường lậu do Giang điều khiển chạy đến địa phận thuộc xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), giáp ranh xã Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang), thì bị Hải quan tỉnh Đồng Tháp chặn bắt, kiểm tra giấy tờ, hàng hóa.
Cùng lúc, Võ đến can thiệp, cho rằng đang áp giải ghe số AG-20735 về Trạm Cảnh sát đường thủy Tân Châu để xử lý, nên xảy ra tranh chấp thẩm quyền giải quyết. Sau khi biết ghe biển số AG-20735 bị bắt, Hạnh điện thoại kêu người làm công đến ghi hóa đơn Doanh nghiệp tư nhân Huỳnh Phát Đạt xuất bán khống 80 tấn đường cát cho người ở Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) và cho người đem hóa đơn đến trình cơ quan chức năng, để hợp thức hóa nguồn gốc số đường lậu bị bắt. Sau đó, Hải quan Đồng Tháp thống nhất bàn giao vụ việc cho Phòng Cảnh sát kinh tế Công an An Giang xử lý theo thẩm quyền.
Ngày 26/3/2013, UBND tỉnh An Giang ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 38, xử phạt Trần Văn Phương 60 triệu đồng, trả phương tiện ghe biển số AG-20735 và 80 tấn đường cát. Sau khi Phương nộp phạt xong, Công an An Giang trả lại cho Đẹp chiếc ghe và 80 tấn đường cát tang vật, cùng các giấy tờ có liên quan.
Ngày 14/7/2021, vì có đơn tố giác Võ liên quan hành vi vi phạm vận chuyển 80 tấn đường cát của nhóm Hạnh, nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an An Giang thụ lý nguồn tin về tội phạm và tiến hành xác minh. Sau đó, các bị cáo Võ, Đẹp, Giang đầu thú, thừa nhận hành vi phạm tội. Lần lượt 4 bị cáo Hạnh, Võ, Đẹp, Giang bị khởi tố để điều tra xử lý về hành vi buôn lậu.
Kết luận định giá tài sản của cơ quan chức năng tỉnh An Giang, xác định, tổng số lượng 80 tấn đường cát trắng tang vật của vụ buôn lậu trị giá 1,2 tỉ đồng.
Liên quan vụ việc, Hạnh yêu cầu người làm thuê chuyển cho Võ 379 triệu đồng từ nguồn tiền bán đường lậu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an An Giang tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý sau. Việc cán bộ, điều tra viên Phòng Cảnh sát kinh tế Công an An Giang điều tra, xác minh thiếu khách quan dẫn đến xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan điều tra sẽ tách ra đề xuất xử lý sau.