Tiếp thêm động lực cho các phong trào thi đua

Để Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) tiếp tục lan tỏa, rộng khắp, tạo động lực, khí thế sôi nổi và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tránh mọi biểu hiện hình thức, bên cạnh công tác giáo dục, tuyên truyền thì rất cần phải có cơ chế khen thưởng, đãi ngộ, đề bạt, bổ nhiệm... xứng đáng, phù hợp đối với cá nhân có thành tích cao. Trang 'Ý kiến chiến sĩ' ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Chuẩn Đô đốc NGUYỄN ĐĂNG TIẾN, Chính ủy Vùng 3 Hải quân:

Cơ sở để xem xét tạo nguồn cán bộ

Giai đoạn 2019-2024, Phong trào TĐQT của Vùng 3 Hải quân thực sự trở thành động lực, tạo sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trong đó nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Những kết quả này trực tiếp góp phần xây dựng Vùng 3 Hải quân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; tạo động lực quan trọng cổ vũ, động viên bộ đội khắc phục khó khăn, tự lực, tự cường, mưu trí, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Để đạt được những thành tích đó, chúng tôi xác định Phong trào TĐQT phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn đơn vị; chỉ tiêu thi đua phải cụ thể, có tính khả thi cao; mục tiêu thi đua phải có tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, xác định đột phá vào những khâu yếu, việc khó; hình thức và biện pháp thi đua phải đa dạng, phong phú, linh hoạt. Chú trọng thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng để kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, bất cập, chống bệnh thành tích, bệnh hình thức, kém hiệu quả.

Các đơn vị thuộc Vùng 3 Hải quân cũng hết sức quan tâm, chú trọng tới cơ chế động viên, khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ có thành tích cao. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ thể hiện khả năng, trình độ, tố chất của bản thân; thông qua đó đánh giá, nhận xét chính xác, công tâm, khách quan từng cán bộ.

Các đồng chí có thành tích tốt trong Phong trào TĐQT được xem xét, cân nhắc đưa vào nguồn quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm; tạo điều kiện để cán bộ được bồi dưỡng, đào tạo các loại hình trong và ngoài nước, bảo đảm đội ngũ cán bộ trong toàn Vùng vững mạnh, đủ đức, đủ tài, có uy tín cao. Qua đó, bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ Vùng 3 Hải quân theo tinh thần “7 dám”; bảo đảm “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.

 Huấn luyện với pháo BM-14 ở Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Pháo binh 6 (Quân khu 9). Ảnh: HỮU TÀI

Huấn luyện với pháo BM-14 ở Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Pháo binh 6 (Quân khu 9). Ảnh: HỮU TÀI

----------

Đại tá HOÀNG TUYỂN PHONG, Chính ủy Lữ đoàn Pháo binh 6, Quân khu 9:

Gắn thành tích với việc đề bạt, bổ nhiệm

Trong 5 năm qua, công tác thi đua, khen thưởng ở Lữ đoàn Pháo binh 6 (Quân khu 9) được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm tính khách quan, dân chủ, kịp thời; trực tiếp góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; xây dựng cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Các nội dung, chỉ tiêu thi đua “ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện” và phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị; tập trung thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm, lấy xây dựng cán bộ là then chốt, đột phá khắc phục khâu yếu, mặt yếu mà cấp ủy, chỉ huy đơn vị và cấp trên đã chỉ ra.

Công tác khen thưởng được tiến hành công tâm, minh bạch; cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về quyết định khen thưởng và việc trình cấp có thẩm quyền ra quyết định khen thưởng; đẩy mạnh tuyên truyền, kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt; nhân rộng mô hình hay trong đơn vị. Việc khen thưởng bảo đảm tính toàn diện, hợp lý; thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình; hướng về cơ sở, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên quan điểm thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khen thưởng phải kịp thời từ những việc làm tốt, nhiệm vụ đột xuất, vất vả.

Chúng tôi không khen thưởng theo số lượng mà khen đúng người, đúng việc, đúng tiêu chí, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, tạo tính thuyết phục, bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng đối tượng, không để bỏ sót và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác khen thưởng. Đồng thời, gắn thành tích với việc đề bạt, bổ nhiệm theo quy định nhằm tạo khí thế phấn đấu cho cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị.

----------

Thượng tá LÊ VĂN TIẾN, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế:

Rất cần cơ chế khen thưởng, đãi ngộ phù hợp

Thời gian qua, tôi được Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế giao thực hiện nhiệm vụ ở hai đồn biên phòng cửa khẩu cảng biển và đất liền. Trên cương vị đồn trưởng, tôi đã làm tốt công tác tham mưu cho Thường vụ Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ; tập trung triển khai và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, mang lại nhiều kết quả thiết thực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, góp phần vừa bảo đảm an ninh quốc gia, vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác biên phòng trong tình hình mới. Với những kết quả đạt được, cá nhân tôi đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm 2019, 2022, 2023 cùng nhiều bằng khen, giấy khen.

Tôi cho rằng, tác động mặt trái của kinh tế thị trường có ảnh hưởng nhất định đến mỗi cán bộ, chiến sĩ nên cơ chế động viên, khen thưởng, đãi ngộ, đề bạt, bổ nhiệm đối với cán bộ có thành tích cao là rất quan trọng và cần thiết. Căn cứ vào tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, cần có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời, phù hợp để tạo động lực hơn nữa, cổ vũ, động viên cán bộ nỗ lực thi đua với quyết tâm cao nhất hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

ể khuyến khích thi đua sôi nổi, thực chất hơn trong thời gian tới, theo tôi cần phải tạo động lực để mọi quân nhân luôn cảm thấy tự hào, nỗ lực, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; luôn xem đó là cơ hội để rèn luyện bản lĩnh, thử thách và phát triển các kỹ năng, khả năng của mình, tự tạo cho mình cơ hội chinh phục thử thách để tiến bộ và thăng tiến. Cũng cần lấy những thành tích, kết quả đã đạt được của mỗi cán bộ, chiến sĩ làm thước đo khen thưởng kịp thời bằng những cơ chế, hình thức đãi ngộ xứng đáng, từ đó tạo động lực thi đua sôi nổi, thực chất, sức lan tỏa sâu rộng và mang tính bền vững dài lâu hơn.

----------

Thiếu tá QNCN TRẦN THỊ HÀ, nhân viên Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị:

Quan trọng là khen thưởng đúng người, đúng việc

Tôi là một trong nhiều điển hình tiên tiến giai đoạn 2019-2024 của LLVT tỉnh Quảng Trị. Có được thành tích trên, ngoài nỗ lực, cố gắng của bản thân thì sự động viên, quan tâm kịp thời của thủ trưởng các cấp cùng đồng chí, đồng đội là động lực quan trọng để tôi nỗ lực thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Từ thực tế cơ quan và chính sách thi đua, khen thưởng hiện nay, tôi thấy rằng, cơ chế động viên, đãi ngộ đối với cán bộ có thành tích cao đã phù hợp với thực tiễn hơn, tạo động lực cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ hăng hái thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ. Theo tôi, để Phong trào TĐQT ngày càng hiệu quả, thiết thực, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ nhiệt tình tham gia thì quan trọng nhất vẫn là khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc, công tâm, minh bạch, dân chủ. Nếu bình bầu thi đua rộng, nể nang, không xuất phát từ kết quả thực tế thì sẽ không nhận được sự ủng hộ, khâm phục, tôn vinh của quần chúng và làm triệt tiêu động lực thi đua.

* Thi đua không chỉ vì khen thưởng

Thi đua và khen thưởng (TĐKT) có vai trò rất quan trọng, là động lực giúp mọi cá nhân, tập thể thực hiện tốt nhiệm vụ chung. Tại Điều 4, mục tiêu của TĐKT, Luật TĐKT năm 2022 ghi rõ: “Mục tiêu của thi đua là nhằm động viên, thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể, hộ gia đình phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mục tiêu của khen thưởng là nhằm khuyến khích, động viên cá nhân, tập thể, hộ gia đình hăng hái thi đua; ghi nhận công lao, thành tích của cá nhân, tập thể, hộ gia đình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

 Công nhân làm việc tại Phân xưởng dụng cụ A2, Xí nghiệp 1, Nhà máy Z113 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). Ảnh: LINH AN

Công nhân làm việc tại Phân xưởng dụng cụ A2, Xí nghiệp 1, Nhà máy Z113 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). Ảnh: LINH AN

Qua đây cũng cho thấy, thi đua là cơ sở của việc khen thưởng, còn khen thưởng là kết quả của quá trình thi đua. Nếu khen thưởng chính xác, kịp thời, đúng người, đúng việc sẽ đem lại tác dụng lớn trong động viên, giáo dục và nêu gương, đồng thời cổ vũ mọi người thi đua hăng hái hơn vì họ biết sự nỗ lực, cố gắng của bản thân được trân trọng, ghi nhận xứng đáng.

Ngược lại, nếu khen thưởng không kịp thời, không đúng người, đúng việc, công khai, dân chủ sẽ triệt tiêu động lực, gây hậu quả xấu đối với công tác thi đua. Với những mục tiêu trên, chắc chắn các chính sách về TĐKT sẽ ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ hơn nhằm hướng tới mục tiêu khuyến khích, động viên các tập thể, cá nhân hăng hái thi đua lập nhiều thành tích cao hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mặc dù khen thưởng là đòn bẩy, là động lực của thi đua nhưng cũng không nên nghĩ thi đua chỉ vì mục đích khen thưởng. Cần hiểu rằng, khen thưởng chỉ là sự khuyến khích, động viên về vật chất và tinh thần đối với các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong quá trình lao động và sáng tạo. Nếu thi đua chỉ vì khen thưởng thì mục đích của thi đua sẽ bị hạn chế.

Hãy coi thi đua như một cơ hội, thử thách để khám phá năng lực bản thân với mục tiêu phấn đấu ngày mai phải tốt hơn hôm nay, coi việc vượt qua chính mình là phần thưởng lớn nhất để thi đua trở thành lẽ sống hằng ngày. Muốn thế, cần luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với chức trách, nhiệm vụ được giao; nhiệt tình, say mê, cố gắng và cố gắng hơn nữa để việc mình làm mang lại lợi ích lớn nhất cho tập thể, nghĩa là tiết kiệm được thời gian, công sức, nguyên vật liệu, tiền bạc mà kết quả lại tốt nhất.

Ở vị trí nào, nhận nhiệm vụ gì cũng cần ra sức làm việc, vượt mọi khó khăn, gian khổ và phấn đấu tích cực, hăng hái, không sợ hy sinh, gian khổ. Chỉ với tinh thần thi đua ấy mới có thể đưa mục đích thi đua đạt được kết quả cao nhất trong thực tiễn; tạo sức cuốn hút, động viên sức mạnh của cả tập thể vào thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. (NGUYỄN ĐỨC TUẤN)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tiep-them-dong-luc-cho-cac-phong-trao-thi-dua-785394