Tiếp thêm lửa để 'lò' ngày càng nóng!

Sự ra đời của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được xem là 'cánh tay nối dài của Trung ương' về PCTN, tiêu cực, mạnh tay với tham nhũng, tiêu cực ở cơ sở đồng thời tiếp thêm lửa để công cuộc 'đốt lò' chống tham nhũng luôn nóng, ngày càng nóng.

Về công cuộc phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy; Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được”.

Đúng theo tinh thần ấy, ngày 2/6 vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về việc thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sự ra đời của BCĐ được xem là “cánh tay nối dài của Trung ương” về PCTN, tiêu cực, mạnh tay với tham nhũng, tiêu cực ở cơ sở đồng thời tiếp thêm lửa để công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng luôn nóng, ngày càng nóng.

Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương

Theo Quy định số 67-QĐ/TW, BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọt tắt là BCĐ cấp tỉnh) sẽ trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

BCĐ cấp tỉnh do Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy thành lập, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phạm vi hoạt động của BCĐ cấp tỉnh là chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương. Trực tiếp xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp xảy ra ở địa phương.

BCĐ cấp tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

BCĐ cấp tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức Đảng và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xử lý các vụ việc; khởi tố điều tra, truy tố, xét xử thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm ở địa phương.

BCĐ cấp tỉnh cũng sẽ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý thông tin về vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp, kiến nghị…

Quyền hạn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.

Chỉ đạo xem xét lại việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của địa phương kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết, hoặc giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng quy định.

Trường hợp phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì Ban Chỉ đạo cấp tỉnh kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương theo quy định, đồng thời báo cáo thường trực tỉnh ủy, thành ủy và Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Long (trái) và ông Chu Ngọc Anh (phải) đã vi phạm nghiêm trọng đến mức bị Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật khai trừ Đảng. Nguồn: TTXVN

Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, thi hành án, nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền, không chờ đến khi kết thúc mới chuyển…

Tổ chức bộ máy Ban Chỉ đạo cấp tỉnh gồm: Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh: Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; Các Ủy viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Ngoài thành phần, cơ cấu này, trường hợp thật cần thiết phải điều chỉnh về cơ cấu thành viên của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thì ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy báo cáo, xin ý kiến của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương trước khi quyết định.

Thể hiện rõ tinh thần triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương

Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 21 của BCĐ Trung ương về PCTN, tiêu cực có đoạn nhấn mạnh: “Bên cạnh những kết quả nổi bật, nghiêm túc kiểm điểm và nhìn nhận công tác đấu tranh, PCTN, tiêu cực của chúng ta vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức rất lớn”.

Trong đó, Kết luận chỉ rõ: Mặc dù các hành vi tham nhũng, tiêu cực vừa qua đã bị xử lý nghiêm, nhưng vẫn xuất hiện nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực rất lớn, tinh vi hơn, vi phạm pháp luật, nghiêm trọng hơn.

Điều đó cho thấy, công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên của chúng ta vẫn chưa tốt; cơ chế, chính sách của chúng ta còn lỏng lẻo, tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực...; Các hành vi tham nhũng hiện nay ngày càng tinh vi hơn, không chỉ ở trong một số người, trong một bộ phận nhỏ mà đã xuất hiện sự liên kết, liên thông ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương.

Chỉ cần một vụ tham nhũng đã có thể làm tha hóa cả một hệ thống với số lượng lớn cán bộ, thậm chí có thể làm cho các ngành, các địa phương bị ảnh hưởng trầm trọng…

Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: Những tồn tại, thách thức trên đây cần được BCĐ xem xét một cách thấu đáo, để từ đó có trách nhiệm đóng góp đề xuất các giải pháp hiệu quả vào việc đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Và một trong những giải pháp đó là việc Quy định 67 được ban hành với quyết định tái thành lập BCĐ cấp tỉnh. Trước đó, Luật PCTN năm 2005 quy định BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Sau đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN (năm 2007) đã bổ sung quy định BCĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về PCTN do Chủ tịch UBND đứng đầu. Tuy nhiên, sau Đại hội XI, Trung ương quyết định chủ trương thành lập BCĐ Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Không thành lập BCĐ tỉnh, thành phố.

Quy định 67-QĐ/TW được ban hành cũng cho thấy, cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đang bước vào giai đoạn mới sau những thành quả, dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Đây chính là “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế và chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”. Năm thứ 5 đã trôi qua kể từ nhấn mạnh ấy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 12 BCĐ Trung ương về PCTN (tháng 7/2017).

“Lò” chống tham nhũng đến nay vẫn rừng rực cháy. Công cuộc đấu tranh PCTN vẫn “không ngừng”, “không nghỉ”, vẫn tiếp tục được tăng cường, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn, không có trở ngại nào, sức ép nào. Và Quyết định 67 với sự ra đời của BCĐ PCTN cấp tỉnh thực sự một lần nữa, tiếp thêm lửa, thêm động lực, quyết tâm, sức mạnh cho công cuộc PCTN. “Lò” thêm nóng, công cuộc PCTN thêm quyết liệt, thông suốt, hiệu quả, củng cố ngày càng vững chắc niềm tin của dân với Đảng ta, Nhà nước ta.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tiep-them-lua-de-lo-ngay-cang-nong-post198400.html