Tiếp thu ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

Ngày 29-4, Bộ Quốc phòng tổ chức họp Ban soạn thảo Luật Phòng thủ dân sự. Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng, Phó trưởng ban soạn thảo chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, thủ trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Cơ quan Thường trực tổ biên tập) đã báo cáo một số kết quả trong quá trình xây dựng dự thảo luật. Theo đó, ngày 14-4-2022, Ban soạn thảo Luật Phòng thủ dân sự đã họp lần 1 dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng – Trưởng ban soạn thảo.

Hội nghị đã thông qua quy chế hoạt động và kế hoạch soạn thảo Luật Phòng thủ dân sự. Ngày 21-4-2022, Thường trực Ban soạn thảo đã họp thống nhất trình Trưởng ban soạn thảo ban hành quy chế hoạt động và kế hoạch soạn thảo Luật Phòng thủ dân sự.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình phát biểu tại hội nghị.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình phát biểu tại hội nghị.

 Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Ngày 25-4-2022, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng – Phó trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo Luật Phòng thủ dân sự, Tổ biên tập đã hoàn thành dự thảo lần 1 Luật Phòng thủ dân sự.

Theo Điều 1 (phạm vi điều chỉnh) của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, luật này quy định việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả thảm họa do chiến tranh; phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; quyền và nghĩa vụ của công dân; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận về nội dung Điều 6 của dự thảo luật: Đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố. Đánh giá mức độ rủi ro làm cơ sở cho việc xác định mức độ nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố, dự báo, cảnh báo thảm họa, sự cố, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó.

Các đại biểu phân tích nội dung chương VII: Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý thống nhất về phòng thủ dân sự. Về kết cấu của dự thảo luật, một số đại biểu đề nghị cần cụ thể hóa một số điều.

Phát biểu chỉ đạo, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình yêu cầu Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và chỉnh lý vào dự thảo các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Vụ Pháp chế phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp; hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo, gửi đăng tải theo quy định và gửi xin ý kiến các bộ ngành. Chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, đặc biệt các quân khu chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền nghiên cứu tham gia đóng góp vào những vấn đề liên quan trên từng lĩnh vực chuyên ngành phụ trách.

Tin, ảnh: TUẤN NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tiep-thu-y-kien-dong-gop-vao-du-thao-luat-phong-thu-dan-su-693065