TIẾP TỤC CẬP NHẬT KẾT QUẢ RÀ SOÁT THEO YÊU CẦU TẠI NGHỊ QUYẾT SỐ 101/2023/QH15 ĐỂ BỔ SUNG NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG TRONG DỰ THẢO LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 6, đầu giờ chiều 8/11 Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục cập nhật kết quả rà soát theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 để bổ sung nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật.

Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Tiếp tục rà soát bảo đảm tính thống nhất với các dự án Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Về sự cần thiết ban hành Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sau hơn 05 năm thi hành Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tiếp tục hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng công khai, minh bạch, áp dụng thống nhất cho các loại tài sản đấu giá nhưng vẫn bảo đảm tính đặc thù của một số loại tài sản đấu giá cụ thể trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Đấu giá tài sản; nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản; tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản; bảo đảm sự thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, về cơ bản, nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với quy định của một số luật hiện hành liên quan cũng như các dự án Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung.

Hồ sơ của dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, tuân thủ đúng quy trình, yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6; bố cục và kết cấu của dự thảo Luật tương đối chi tiết, bao quát nhiều nội dung.

Thẩm tra về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, dự thảo Luật kèm theo Tờ trình của Chính phủ sửa đổi, bổ sung 25 Điều, khoản; bổ sung 01 Điều mới trên tổng số 81 Điều của Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14, bổ sung, thay thế một số cụm từ, bãi bỏ một số điểm, khoản, Điều của Luật Đấu giá tài sản. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục cập nhật kết quả rà soát theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 để bổ sung nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật.

Trình tự, thủ tục đấu giá tài sản phải bảo đảm chặt chẽ, khách quan, minh bạch.

Thẩm tra một số vấn đề cụ thể liên quan đến tài sản đấu giá (Điều 4), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, mặc dù Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức nhưng việc quy định về tài sản đấu giá là cần thiết và phù hợp với các pháp luật chuyên ngành nhằm bảo đảm sự rõ ràng, tránh khoảng trống về mặt pháp lý. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định tại Điều 4 về tài sản đấu giá theo hướng không liệt kê, vì điều này dễ dẫn đến trùng lặp hoặc gây chồng chéo, mâu thuẫn.

Đối với Cổng đấu giá tài sản quốc gia, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc bổ sung quy định thực hiện đấu giá trực tuyến thông qua Cổng đấu giá tài sản quốc gia và Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản là phù hợp với yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quản lý Cổng Đấu giá tài sản quốc gia như trách nhiệm về: (i) bảo mật thông tin trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản bằng hình thức trực tuyến; (ii) lưu trữ thông tin phục vụ công tác tra cứu, theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…; (iii) bảo đảm việc vận hành thông suốt và hiệu quả của Cổng Đấu giá tài sản quốc gia… Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định xã hội hóa về Cổng đấu giá tài sản quốc gia với sự tham gia của doanh nghiệp, Nhà nước và bổ sung quy định cụ thể về mức phí đăng tin bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc xác định “nhằm mục đích trục lợi” trong quy định cấm “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi” là rất khó. Do đó, đề nghị bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” để bảo đảm tính khả thi của quy định.

Về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản tại dự án Luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bảo đảm sự chặt chẽ, khách quan, minh bạch trong hoạt động đấu giá tài sản. Ngoài ra, có một số ý kiến đề nghị cân nhắc giữ như quy định của Luật hiện hành. Bên cạnh đó, đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 2 về thời gian thông báo thay đổi địa điểm trước ngày mở cuộc đấu giá chỉ có 01 ngày làm việc; quy định như vậy sẽ gây bất lợi cho người tham gia đấu giá, nhất là đối với những trường hợp ở cách xa địa điểm đấu giá.

Xem xét lại quy định tại điểm a khoản 12 Điều 1 của dự thảo Luật về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 38 “Tổ chức đấu giá tài sản bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá, trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày làm việc, trừ trường hợp quy định tại khoản 2a và khoản 2b Điều này. Tổ chức đấu giá tài sản thông báo cho người không đủ điều kiện tham gia đấu giá trước ngày mở cuộc đấu giá 01 ngày làm việc”. Việc quy định thời gian sát và gấp như trên sẽ không bảo đảm chất lượng của việc đánh giá hồ sơ, có thể sẽ bỏ sót hồ sơ không đạt yêu cầu.

Nghiên cứu, cân nhắc về tính khả thi của quy định người có tài sản đấu giá phải có nghĩa vụ thẩm tra, xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá vì việc xét duyệt điều kiện này phải thuộc trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản là cơ quan có tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao đối với hoạt động đấu giá tài sản. Việc yêu cầu người có tài sản đấu giá phải xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá là chưa phù hợp, nhất là đối với trường hợp người có tài sản đấu giá là cá nhân hoặc trường hợp có số lượng lớn người tham gia đấu giá đối với cùng một tài sản đấu giá; đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về hồ sơ đánh giá năng lực, điểm tích lũy kinh nghiệm của người tham gia đấu giá tài sản, nhất là đối với việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, bảo đảm lựa chọn được người tham gia đấu giá tài sản có đủ năng lực về tài chính, chuyên môn và kinh nghiệm.

Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định rõ cơ sở xác định trường hợp được áp dụng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá hoặc hình thức bỏ phiếu gián tiếp hoặc có thể kết hợp hình thức đấu giá trực tiếp với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; trường hợp kết hợp cả hai hình thức đấu giá thì phải bổ sung quy định về trình tự, thủ tục bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, đầy đủ và phù hợp với thực tiễn. Làm rõ quy định về “nộp tiền đặt trước” tại khoản 1 Điều 39 để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Dân sự vì Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ tài sản), không có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ “nộp tiền đặt trước”.

Việc nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư (khoản 1a Điều 39), tăng 5% so với các tài sản đấu giá thông thường (mức tiền đặt trước tối thiểu của tài sản thông thường là 5%) sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định tỷ lệ tiền đặt trước quá cao dẫn đến những rào cản kỹ thuật, làm mất tính cạnh tranh của cuộc đấu giá. Do đó, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi; cân nhắc quy định khoản tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá hoặc căn cứ theo giá trị của tài sản đấu giá.

Đề nghị nghiên cứu thêm đối với quy định về thời hạn tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá và thời hạn nộp tiền đặt trước để khắc phục tình trạng khách hàng tham gia đấu giá nhưng chưa nộp tiền đặt trước có thể thông đồng, thỏa thuận với nhau và với tổ chức đấu giá để chỉ có một hoặc một vài người đặt tiền trước. Đề nghị cân nhắc trong trường hợp kết quả đấu giá phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì thời hạn chuyển tiền đặt cọc cho người có tài sản là 03 ngày làm việc kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về thời gian và chế tài thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp trúng đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây rối loạn thị trường; nếu quá thời gian này mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải hủy kết quả đấu giá, trường hợp này cần làm rõ cấp có thẩm quyền hủy kết quả trúng đấu giá, nhất là đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư. Nghiên cứu bổ sung quy định về việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản. Với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn sẽ ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường.

Đấu giá viên phải được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề.

Thẩm tra quy định về đấu giá viên, Ủy ban Kinh tế nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung tại một số điều, khoản liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện của đấu giá viên, nhằm bảo đảm tất cả cá nhân muốn trở thành đấu giá viên đều được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề phù hợp với tính chất nghề nghiệp; việc sửa đổi, bổ sung quy định về cấp, thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá, nhằm bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá tác động của việc bỏ quy định miễn đào tạo nghề đấu giá đối với một số trường hợp, bởi vì nếu bỏ quy định về miễn đào tạo sẽ không thu hút được những người có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp tham gia vào hoạt động đấu giá tài sản. Nghiên cứu việc giao Bộ Tư pháp quy định về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định (điểm đ1 tại khoản 2 Điều 19, điểm d khoản 2 Điều 77). Cần làm rõ việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định có thay thế cho việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề cho đấu giá viên do tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên thực hiện được quy định tại Điều 21 của Luật Đấu giá tài sản hay không.

Đề nghị bổ sung quy định về việc đấu giá viên không được đồng thời kiêm nhiệm các chức danh bổ trợ tư pháp khác như luật sư, công chứng viên, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, trọng tài thương mại… nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp của đấu giá viên. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị xem xét lại việc cấm quy định đấu giá viên đồng thời kiêm nhiệm các chức danh bổ trợ tư pháp khác, nhất là ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng thẩm tra quy định về Tổ chức đấu giá tài sản, theo đó, để bảo đảm cách hiểu thống nhất, tạo sự bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, thống nhất về doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về việc thành lập doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và việc đáp ứng về điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

Đối với quy định chuyển tiếp, ngoài các quy định chuyển tiếp nêu trong dự án luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát và bổ sung quy định chuyển tiếp đối với những trường hợp khác nếu thấy cần thiết vì quy định tại dự thảo Luật có thể tác động đến quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản. Tiếp tục rà soát các quy định khác tại dự án Luật, tránh tình trạng quy định chung chung gây khó khăn trong thực tế triển khai; rà soát, tránh trùng lặp, xung đột pháp luật; đồng thời tiếp tục rà soát, chỉnh lý về từ ngữ, câu chữ và kỹ thuật văn bản để hoàn thiện dự án Luật.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81906