Tiếp tục cụ thể hóa đường lối đối ngoại góp phần phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ mới English Edition

Sáng 10/01, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Ngoại giao năm 2022; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - Bùi Thanh Sơn cùng các Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì. Tại điểm cầu Long An, Giám đốc Sở Ngoại vụ - Lê Hoàng Thanh chủ trì hội nghị.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Long An

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Long An

Năm 2022, tình hình quốc tế tiếp tục trải qua những biến động lớn, có những diễn biến nhanh, phức tạp và ngoài dự báo thông thường. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ngành Ngoại giao đã triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, đạt kết quả toàn diện và quan trọng, đóng góp lớn vào thành tựu phát triển KT-XH của đất nước.

Hoạt động đối ngoại các cấp, đặc biệt là hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tạo xung lực mới, làm sâu sắc hơn quan hệ với nhiều đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và đối tác có nhiều tiềm năng. Trong năm 2022, đã có gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt cả trực tiếp và trực tuyến,…

Trong năm, ngành Ngoại giao tiếp tục cùng các ngành liên quan củng cố vững chắc đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, tạo thuận lợi cho giao lưu KT-XH. Đồng thời, kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán, trong đó đã đạt những bước tiến quan trọng về phân định, giải quyết một số vấn đề biên giới lãnh thổ phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trên bình diện đa phương, Việt Nam đã phát huy vai trò, đóng góp tích cực và có trách nhiệm tại các cơ chế, diễn đàn đa phương quan trọng, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Kông.

Năm 2022, Việt Nam được quốc tế tín nhiệm bầu vào nhiều tổ chức quốc tế quan trọng: Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022-2026,…

Ngoài ra, ngành Ngoại giao nỗ lực phối hợp các bộ, ban, ngành, địa phương chủ động đẩy mạnh nội dung kinh tế trong các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tranh thủ hiệu quả các liên kết, thỏa thuận kinh tế để mở rộng, làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác. Kết quả của công tác ngoại giao kinh tế đã góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút được nhiều nguồn lực bên ngoài phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước,…

Năm 2023, ngành Ngoại giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại. Trong đó, trọng tâm là xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và đoàn kết, hợp tác quốc tế, giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế; xây dựng đoàn kết, đồng thuận trong triển khai đối ngoại dưới sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước; tăng cường nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại; xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ trong ngành Ngoại giao,…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả nổi bật của hoạt động đối ngoại năm 2022. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục cụ thể hóa đường lối đối ngoại chung làm căn cứ để góp phần xây dựng, phát triển kinh tế trong thời kỳ mới. Nắm chắc diễn biến tình hình, đánh giá đúng bản chất các vấn đề, tham mưu cho Đảng, Nhà nước các đường lối, chính sách đối ngoại phù hợp với từng đối tác, đối tượng trong những bối cảnh, giai đoạn khác nhau.

Song song đó, Bộ Ngoại giao tăng cường nghiên cứu, đánh giá, tổ chức hội nghị tổng kết để rút ra bài học, tầm nhìn chiến lược giúp Đảng, Nhà nước luôn giữ thế chủ động trước diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình thế giới; xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và đoàn kết, hợp tác Quốc tế, giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế.

Các đại sự quán của Việt Nam ở nước ngoài tăng cường giới thiệu về đất nước, văn hóa, con người của Việt Nam, trọng tâm là nêu bật những thành tự phát triển KT-XH, đường lối đối ngoại “Việt Nam là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy của các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương để thực hiện tốt công tác ngoại giao đa phương, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, tôn trọng luật pháp quốc tế đồng thời linh hoạt, đổi mới, sáng tạo trong sách lược, thích ứng với tình hình mới.

Cán bộ hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao cần phải thường xuyên trau dồi bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nâng cao hiểu biết nhằm đáp ứng được yêu cầu của công tác đối ngoại trong thời kỳ mới; tăng cường công tác truyền thông đối ngoại để bạn bè quốc tế thêm hiểu biết về văn hóa, lịch sử, con người đất nước Việt Nam, đấu tranh hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch,…/.

Song Nhi

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tiep-tuc-cu-the-hoa-duong-loi-doi-ngoai-gop-phan-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-trong-thoi-ky-moi-a147895.html