Tiếp tục 'cuộc cách mạng' trong đầu tư công

Khởi động cho một chu kỳ đầu tư công mới, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, với tinh thần kiên quyết cắt bỏ những dự án chưa thật sự cần thiết, kém hiệu quả; cắt giảm số lượng dự án khởi công mới, bảo đảm nguồn lực tập trung vào các dự án quan trọng, sớm phát huy hiệu quả.

Là đầu mối chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, giai đoạn này sẽ tiếp tục kế thừa và thực hiện “cuộc cách mạng” trong đầu tư công, mục tiêu là chỉ đầu tư 5.000 dự án từ ngân sách Trung ương.

Có thể nói, “cuộc cách mạng” trong đầu tư công được khởi nguồn từ giai đoạn 2016 - 2020 bằng việc thực thi Luật Ðầu tư công có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Theo đó, lần đầu tiên, phương thức quản lý, phân bổ nguồn lực tài chính dành cho đầu tư phát triển đã chuyển từ cơ chế quản lý theo kế hoạch đầu tư hằng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của đất nước. Thay đổi căn bản của giai đoạn này là số dự án đầu tư công đã giảm một nửa so với giai đoạn trước, từ hơn 22 nghìn xuống còn hơn 11 nghìn dự án; vốn bố trí bình quân cho một dự án tăng gần 40%, giúp tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán dần được khắc phục, từ đó từng bước cải thiện hiệu quả đầu tư công. Ðặc biệt năm 2020, nhờ có sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ kết hợp với những cơ chế, giải pháp đột phá, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã đạt cao nhất từ trước đến nay, hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực làm giảm sút nhiều động lực tăng trưởng. Với tinh thần kế thừa, phát huy kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm của giai đoạn 2016 - 2020, trong kỳ trung hạn lần thứ hai này, quy mô vốn đầu tư công tăng cao nhất từ trước đến nay, lên đến 2,87 triệu tỷ đồng nhưng số dự án lại thấp nhất để hình thành nên những công trình “ra tấm ra món”, tạo tác động lan tỏa cao.

Không chỉ cắt giảm mạnh số lượng dự án, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công giai đoạn tới sẽ được siết chặt, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện và khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh,… Với những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ chưa từng có, “cuộc cách mạng” trong đầu tư công ở giai đoạn tới sẽ chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún để hướng vào đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, tạo khí thế, quyết tâm mới trong phát triển đất nước.

BÍCH NGÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/tiep-tuc-cuoc-cach-mang-trong-dau-tu-cong-648518/