Tiếp tục đào tạo bác sĩ trẻ về vùng khó khăn công tác
Ngày 20/2, tại trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ bàn giao 28 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I khóa 8 trong tổng số 354 bác sĩ đang được đào tạo tại 3 trường Đại học Y Hà Nội, trường Đại học Y- Dược Huế và trường Đại học Y- Dược Hải Phòng, về công tác tại vùng khó khăn.
Đây là hoạt động thuộc Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” của Bộ Y tế.
Dự án này có mục tiêu đảm báo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, theo đó tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300-500 bác sĩ trẻ về công tác tại các địa phương. Hiện tại, Dự án đã, đang và sẽ đào tạo chuyên khoa I cho 354 bác sĩ thuộc 11 chuyên ngành (Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm, Răng hàm mặt và Y học cổ truyền) trong thời gian 24 tháng. Sau đó, các bác sĩ tốt nghiệp sẽ công tác 3 năm (đối với nam) và 2 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện.
Trong 28 bác sĩ trẻ khóa 8 được bàn giao đợt này, có 23 bác sĩ là người dân tộc Mông, Thái, Tày, Dao, Mường và Nùng - là những bác sĩ ngay tại địa phương, thuộc 9 chuyên ngành gồm: Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Ngoại, Nhi, Nội, Phụ sản, Truyền nhiễm và Y học cổ truyền. Các bác sĩ sẽ được cấp bằng chuyên khoa I và chứng chỉ hành nghề, sau đó sẽ tình nguyện công tác về 13 huyện nghèo (như Đà Bắc, Điện Biên Đông, Hạ Lang, Lâm Bình, Minh Hóa, Sốp Cộp…..) thuộc 8 tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Bình, Sơn La và Tuyên Quang.
Như vậy, với 8 khóa bác sĩ trẻ đã tốt nghiệp, Dự án đã bàn giao 151 bác sĩ cho 51 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh miền núi phía bắc, miền trung và Tây Nguyên.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo, giao trường Đại học Y Hà Nội và một số trường Đại học Y tổ chức đào tạo cho các bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia Dự án bảo đảm chất lượng, đạt chỉ tiêu vững vàng tay nghề về chuyên môn để đáp ứng nhu cầu nhằm phục vụ nâng cao công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; thực hiện công bằng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ở vùng khó khăn, góp phần giảm tải trong công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến trên.