Tiếp tục đặt yêu cầu cao về chất lượng
Các bộ, ngành cần quán triệt và thực hiện nghiêm việc soạn thảo dự án luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể thực hiện thí điểm.
Ảnh: Hồ Long
Đây là một trong những nội dung được nhấn mạnh trong Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 trong phiên họp sáng nay, 16.4. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp.
Chỉ bổ sung khi thực sự cần thiết
Theo Tờ trình của Chính phủ, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày, nêu rõ đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2023, điều chỉnh chương trình năm 2022 căn cứ trên 3 nguyên tắc.
Ảnh: Hồ Long
Thứ nhất, ưu tiên đề xuất những dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng, ban hành kịp thời Chương trình, chính sách phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng cơ chế, chính sách cấp thiết nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19; Chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Thứ ba, bảo đảm tính khả thi của Chương trình, tránh dồn nhiều dự án vào một kỳ họp hoặc dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan soạn thảo, thẩm tra hoặc vào kỳ họp cuối năm; không đưa vào những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật..
Trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên, Chính phủ đề nghị đưa 15 dự án luật vào Chương trình năm 2023; điều chỉnh Chương trình năm 2022 đối với 17 dự án.
Ảnh: Hồ Long
Trình bày Báo cáo thẩm tra đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, quá trình triển khai thực hiện Chương trình, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tăng cường quán triệt và thực hiện nghiêm các yêu cầu tại Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị trong việc soạn thảo dự án phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể thực hiện thí điểm.
Đối với việc điều chỉnh Chương trình, chỉ trình bổ sung những dự án là kết quả của việc nghiên cứu, rà soát theo nhiệm vụ lập pháp được đề ra trong Đề án. Đối với những dự án khác, chỉ bổ sung khi thực sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn phát sinh, cần thể chế hóa chủ trương của Đảng trong các nghị quyết, kết luận mới của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thực hiện cam kết quốc tế hoặc dự án có ý nghĩa then chốt, tạo bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội.
Sẽ trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tư
Cơ bản đồng tình với đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết thêm, trong Kết luận số 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV, Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Hội đồng Dân tộc được giao đôn đốc việc nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về thành phần các dân tộc Việt Nam, giao cơ quan chủ trì trình Chính phủ trước 31.12.2022. Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị cần xem xét, bổ sung đưa nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; vì đây là nội dung hết sức quan trọng, có tính chính trị sâu sắc.
Ảnh: Hồ Long
Liên quan đến việc điều chỉnh Chương trình năm 2022, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhưng không đề xuất thời hạn lùi cụ thể. Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là dự án Luật rất cấp thiết, cần ban hành sớm và đã được đưa vào Chương trình từ Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV (tháng 5.2019), sau đó phải điều chỉnh nhiều lần và lần này là đề nghị điều chỉnh lần thứ tư. Lý do của Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình là chờ Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII xem xét tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW về đất đai không phải là vấn đề mới, khi Quốc hội xem xét đưa dự án vào Chương trình cũng đã cân nhắc vấn đề này. Do đó, các cơ quan của Quốc hội đề nghị chỉ nên lùi một kỳ họp để trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ Tư và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp như Quốc hội đã quyết định.
Đồng tình chỉ lùi dự án Luật Đất đai (sửa đổi) một kỳ họp, trình Quốc hội ở Kỳ họp thứ Tư như Ủy ban Pháp luật đề xuất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương; sau Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV cũng đã có cuộc làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với lĩnh vực này. Cho nên "lần này phải quyết tâm không thể nào lùi được nữa", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Ảnh: Hồ Long
Kết luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị của Chính phủ, cơ quan thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội về xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; bổ sung, điều chỉnh Chương trình năm 2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao, trong thời gian vừa qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới đến nay, công tác xây dựng thể chế được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm và có nhiều cố gắng đổi mới. Chính phủ đã có nhiều phiên họp chuyên đề và có nhiều đổi mới công tác xây dựng pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có nhiều đổi mới và bố trí các nội dung thảo luận về các luật, pháp lệnh một cách kỹ càng, cẩn thận.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cũng có các phiên họp chuyên đề để cho ý kiến sớm về định hướng xây dựng luật, pháp lệnh. Quốc hội cũng dành thời gian thảo luận về các luật, pháp lệnh có chất lượng, có đổi mới, tổ chức hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tổ chức Kỳ họp bất thường bàn về các luật cấp bách. Do đó, số lượng luật được thông qua nhiều, chất lượng luật được nâng lên; phối hợp công tác giữa các cơ quan tốt hơn, giải quyết nhiều vấn đề mới, khó và cấp bách đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan có liên quan đã nghiên cứu, báo cáo Bộ Chính trị xây dựng Đề án định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, được Bộ Chính trị thông qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp các cơ quan, tổ chức Hội nghị toàn quốc xây dựng kế hoạch hành động, Chính phủ cũng xây dựng kế hoạch hành động, từng cơ quan của Quốc hội cũng có kế hoạch thực hiện. Đây là những điểm mới cần phải báo cáo Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Chính phủ tiếp tục bổ sung vào Chương trình các dự án luật có tính cấp bách, rà soát 97/137 nhiệm vụ lập pháp chưa hoàn thành theo thời hạn. Hiện nay, chúng ta đã làm được 40 nhiệm vụ, còn 97 nhiệm vụ phải tiếp tục hoàn thành, riêng 72/97 nhiệm vụ cần hoàn thành trong năm 2022. Đáng lưu ý, có những dự án luật rất cấp bách như: dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đấu giá tài sản, các luật về thuế. Một số luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp như: dự án Luật Điều tra hình sự; dự án Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Luật sư, các văn bản pháp luật khác và dự thảo Nghị quyết về thành phần các dân tộc Việt Nam như Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đã phát biểu.
Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với các cơ quan xây dựng Tờ trình và Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội kèm theo dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 (cần cập nhật thêm nếu có bổ sung trong Phiên họp tháng 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu hoàn thiện trình lãnh đạo Quốc hội ký. Trong Tờ trình và Báo cáo ngoài nội dung về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, cần báo cáo với Quốc hội những đổi mới tiến bộ, những hạn chế, tồn tại cần khắc phục, những kinh nghiệm tốt cần phát huy, những kiến nghị với Quốc hội, với các cơ quan có liên quan để phấn đấu hoàn thành tốt định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.