Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nâng cao đời sống người lao động
Công đoàn Việt Nam được thành lập là một dấu mốc quan trọng của phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trải qua 95 năm xây dựng và phát triển, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ và dựng xây Tổ quốc.
Cùng với sự hình thành và phát triển của Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Phú Yên đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng phát huy vai trò tổ chức công đoàn trong công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh.
Những mốc son chói lọi
Quá trình hình thành và phát triển của Công hội Đỏ Bắc Kỳ - tiền thân của Công đoàn Việt Nam ngày nay gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong những năm đầu của thế kỷ XX. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đặt cơ sở lý luận, nền tảng tư tưởng cho việc thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người chỉ dẫn: “Tổ chức Công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.
Những năm 1925-1928, dưới sự lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào Vô sản hóa đã thâm nhập sâu rộng vào trong các nhà máy, xí nghiệp, hầm lò để tuyên truyền, vận động công nhân tích cực tham gia phong trào đấu tranh. Sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên (3/1929), đặc biệt là sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929) là kết quả của quá trình vận động, tổ chức công nhân mà Nguyễn Đức Cảnh là một trong những sáng lập viên và giữ vai trò quan trọng. Trên cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương lâm thời phân công phụ trách công tác vận động công nhân.
Nhận thức được vai trò quan trọng của tổ chức Công hội, của công nhân trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, bóc lột, bảo vệ quyền lợi của công nhân, Nguyễn Đức Cảnh và những người đồng chí đã tích cực tổ chức cuộc vận động phong trào công nhân, trước hết là phong trào công nhân Bắc Kỳ để thành lập tổ chức Công hội. Ngày 28/7/1929, Đại hội đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất khai mạc do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chủ trì. Đại hội đã quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, thông qua Điều lệ và hệ thống tổ chức của Công hội, ra báo Lao Động và tạp chí Công hội Đỏ, bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng. Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Kể từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, đứng ra dẫn dắt phong trào; phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động. Từ đó đến nay, Công đoàn Việt Nam đã trải qua 13 kỳ đại hội. Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 1-3/12/2023 tại Thủ đô Hà Nội.
Cùng với biết bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, tổ chức công đoàn đã gắn với nhiều tên gọi khác nhau từ Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ, Nghiệp đoàn Ái hữu, Hội Công nhân phản đế, Hội Công nhân cứu quốc và ngày nay là Tổng LĐLĐ Việt Nam. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, từ những năm đầu đất nước mới giành được độc lập, trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), thời kỳ xây dựng CNXH (1975-1986), thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (1986-2023), tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc bảo vệ, dựng xây đất nước.
Cùng với sự phát triển chung của giai cấp công nhân và công đoàn cả nước, phong trào công nhân lao động (CNLĐ) và Công hội Phú Yên cũng đã sớm ra đời qua việc thành lập Hội Công nhân cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Quá trình hình thành và phát triển, Công đoàn Phú Yên đã trưởng thành từ khó khăn, thử thách trong các giai đoạn lịch sử từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến thời kỳ bảo vệ, dựng xây đất nước rồi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Trong quá trình ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Công đoàn Phú Yên luôn thực hiện tốt vai trò chức năng của mình; tuyên truyền giáo dục và tham gia quản lý, góp phần quan trọng để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Vai trò của các cấp công đoàn trong tỉnh ngày càng được phát huy, mối gắn kết giữa chính quyền và công đoàn ngày càng mật thiết, lòng tin của cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) đối với tổ chức công đoàn ngày càng được củng cố. Từ đó, phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Đến đầu năm 2024, Công đoàn Phú Yên đã có 923 CĐCS với trên 45.700 đoàn viên.
Hướng lợi ích đến đoàn viên, CNVCLĐ
“Thiết thực kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, từ đầu năm, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn trực thuộc triển khai nhiều hoạt động nhằm hướng các lợi ích thiết thực đến đời sống CNVCLĐ”, bà Lê Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết.
Bên cạnh tổ chức hội nghị biểu dương 95 học sinh từ lớp 1-12 là con của đoàn viên, CNVCLĐ vượt khó, đạt nhiều thành tích trong học tập và tổ chức các hội thao thu hút hàng nghìn đoàn viên tham gia thi đấu, cổ vũ, LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ các huyện, thị, Công đoàn KKT Phú Yên, các công đoàn ngành còn tổ chức tặng quà, Mái ấm công đoàn cho đoàn viên, người lao động.
Đặc biệt, hưởng ứng ngày lễ trọng đại này, nhiều CĐCS cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phối hợp với lãnh đạo, chủ sử dụng lao động tổ chức Bữa cơm công đoàn. Hoạt động này đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn và doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Trong Tháng Công nhân, các cấp công đoàn trong tỉnh đã có nhiều hoạt động như phối hợp khám sức khỏe miễn phí, tổ chức đối thoại, thương lượng ký kết các thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi hơn cho CNLĐ… Là đơn vị có nhiều thành tích nổi bật trong các hoạt động, Công đoàn Công ty TNHH OLam Việt Nam tại Phú Yên được Công đoàn KKT Phú Yên biểu dương, khen thưởng.
Chị Nguyễn Thị Nhật Lệ, Chủ tịch CĐCS công ty này cho biết: “Vào các dịp lễ, tết, CĐCS đề xuất lãnh đạo doanh nghiệp và từ nguồn tài chính công đoàn để tặng quà, hỗ trợ nhiều trường hợp đoàn viên, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, công đoàn phối hợp với ban giám đốc công ty tổ chức tặng quà sinh nhật, tặng phiếu mua hàng cho hơn 300 đoàn viên, đào tạo sơ cấp cứu cho đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hàng chục triệu đồng…”.
Theo Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, kế thừa, phát huy những thành quả đã đạt được của Công đoàn Việt Nam 95 năm qua, CNVCLĐ Phú Yên tiếp tục nêu cao truyền thống cách mạng vẻ vang trong giai đoạn cách mạng mới. Mỗi cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ ra sức khắc phục khó khăn, sáng tạo, tích cực học tập nâng cao trình độ, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng các cấp, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.