Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục đang là rào cản
Ngày 19/12, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ đã chủ trì 'Hội nghị triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trọng tâm của thường trực cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ' theo hình thức trực tuyến.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Bộ Công an tại Hà Nội có các đồng chí: Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc cơ quan Bộ Công an. Dự hội nghị tại điểm cầu các địa phương Hưng Yên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn có Chủ tịch UBND các tỉnh; lãnh đạo Công an tỉnh; các sở, ban, ngành…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan tập trung đánh giá về tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC); lãnh đạo các đơn vị, địa phương trao đổi, thảo luận tập trung vào việc phân tích, đánh giá các nguyên nhân, tồn tại, đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao và phương án triển khai thực hiện các giải pháp cải cách TTHC trong thời gian tới...
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, về công bố, công khai TTHC, từ ngày 1/1/2023 đến 1/11/2023, UBND các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hưng Yên đã ban hành 197 quyết định công bố danh mục TTHC, trong đó công bố mới 381 thủ tục; sửa đổi, bổ sung 799 thủ tục; bãi bỏ 421 thủ tục. Các TTHC được đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Cổng dịch vụ công của tỉnh, trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để người dân, doanh nghiệp tra cứu, thực hiện khi có nhu cầu.
BHXH Việt Nam đã ban hành các quyết định về công bố TTHC để thực hiện 25 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành; cập nhật, công khai đầy đủ các TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của BHXH Việt Nam và chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cập nhật, công khai đầy đủ.
Bên cạnh đó, UBND các tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện rà soát, đánh giá tái cấu trúc quy trình TTHC, dịch vụ công cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, số hóa hồ sơ, cắt giảm các thông tin cần khai báo, cung cấp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các tỉnh được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện tích hợp, đồng bộ dữ liệu; duy trì hoạt động ổn định; triển khai cung cấp đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần; tích hợp dịch vụ thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia (Payment Platform) phục vụ nhu cầu thanh toán phí/lệ phí trong giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp...
UBND các tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh mở các đợt cao điểm thu nhận hồ sơ căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử; phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát, đối sánh, cập nhật, đồng bộ dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; ban hành kế hoạch triển khai 43 mô hình điểm về thực hiện Đề án 06. Các tổ công nghệ số cộng đồng, tổ công tác Đề án 06 khóm, ấp phát huy vai trò, trách nhiệm, là hạt nhân trong công tác tuyên truyền về Đề án 06 và chuyển đổi số.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam thực hiện đơn giản hóa mẫu đơn, tờ khai trên nguyên tắc khai thác tối đa dữ liệu từ nguồn sẵn có của cơ sở dữ liệu BHXH, từ nguồn chia sẻ của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Kết quả, đã hoàn thành tái cấu trúc các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, phục vụ người dân và doanh nghiệp theo nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tham gia ý kiến tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích, đề xuất các giải pháp để triển khai có hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC trọng tâm đến hết năm 2023 và thời gian tiếp theo, theo chỉ đạo của Chính phủ như: Tiếp tục rà soát, cắt giảm thành phần hồ sơ không cần thiết trên Cơ sở ứng dụng dữ liệu dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có; kết nối, tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành với hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các địa phương, các hệ thống thông tin chuyên ngành của tỉnh; thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương trong công tác cải cách TTHC, các nghiệp vụ về dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, số hóa TTHC và ứng dụng dữ liệu dân cư trong quá trình giải quyết TTHC…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách TTHC theo yêu cầu của Chính phủ, trong đó tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác đánh giá tác động và thẩm định quy định TTHC trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất theo thẩm quyền bãi bỏ các TTHC đã và đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của BHXH Việt Nam và UBND các tỉnh.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc còn đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh và hoàn thành việc hợp nhất, kết nối hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác, tiến tới đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu về trạng thái, tình hình xử lý hồ sơ với các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các bộ, ngành tại phương mình.
Thứ trưởng yêu cầu cần đẩy mạnh tuyên truyền về công tác cải cách TTHC tới người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số để người dân hiểu được những lợi ích mà công tác cải cách hành chính, công tác chuyển đổi số mang lại, từ đó giúp người dân biết và thực hiện trong giao dịch hành chính...