Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số theo đúng lộ trình
Theo báo cáo kết quả thực hiện Đề án 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030' (Đề án 06) trên địa bàn tháng 9/2024 của Ban chỉ đạo Đề án 06 TPHCM vừa được ban hành, TPHCM đã đạt nhiều kết quả khả quan về các mặt công tác và tiện ích trong quá trình triển khai thực hiện đề án.
Tất cả vì người dân và doanh nghiệp
Theo báo cáo, xét về nhóm tiện ích giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), Chủ tịch UBND TPHCM (UBNDTP) đã ban hành 9 quyết định phê duyệt 56 quy trình nội bộ (QTNB) giải quyết TTHC. Tính đến ngày 25/5/2024, Văn phòng UBNDTP đã thẩm định và trình phê duyệt 1.639 QTNB giải quyết TTHC; 981/1.639 QTNB đã được tái cấu trúc, trong đó cắt giảm về thời gian giải quyết TTHC (cắt giảm được hơn 3.480 giờ làm việc), đơn giản hóa các bước giải quyết TTHC. Liên quan đến việc triển khai DVCTT, thành phố (TP) đã cung cấp 966 TTHC trực tuyến (trong đó có 611 TTHC toàn trình, 355 TTHC một phần).
Trong đó, Quản lý xuất nhập cảnh cấp hộ chiếu 1.145.087/1.151.985 hồ sơ (HS, 99,40%); Phòng cháy chữa cháy 3.533/3.533 HS (100%); Giao thông 219.809/244.175 HS (90,02%); QLHC về TTXH 692.931/745.189 HS (92.99%). Về TTHC liên thông, đến nay TP đã đăng ký (ĐK) khai sinh - ĐK thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi với 27.513 HS, đã xử lý 20.630 HS; ĐK khai tử - xóa ĐK thường trú - giải quyết mai táng, tử tuất nhận 4.229 HS, đã xử lý 2.743 HS.
Song song với đó, TP đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường triển khai thực hiện và ứng dụng cơ sở dữ liệu về dân cư, định danh (ĐD) và xác thực điện tử để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đạt được nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực ngân hàng, y tế, BHXH, giáo dục, thuế; đồng thời tiếp tục triển khai ĐK tạm trú trên ứng dụng VNelD và thí điểm thu phí trực tuyến về giải quyết ĐK cư trú.
Đối với thanh toán, chi trả không dùng tiền mặt cũng được thực hiện trong nhiều lĩnh vực, như đã rà soát 173.719/158.038 (109,92%) đối tượng chi trả an sinh xã hội; rà soát 77.399/257.550 (đạt 30,1%) trường hợp chi trả lương hưu, BHXH, trong đó có 10.066 trường hợp có tài khoản (TK). Tổng số đối tượng được chi trả qua TK là 194.558. Ngoài ra, TP đã triển khai 100% thực hiện thanh toán các khoản phí không dùng tiền mặt tại trường học và bệnh viện trên địa bàn. Bên cạnh đó, theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội TP, tính đến nay đã giải quyết cho vay tín chấp công dân với 222.943 trường hợp tổng số tiền gần 13 tỷ đồng.
Trung tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TPHCM (CATP), Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Đề án 06 TPHCM - cho biết thêm, đến nay các sở, ngành, địa phương trên địa bàn đã triển khai và duy trì thực hiện 24/47 mô hình điểm, 12/47 mô hình đang triển khai, 11/47 mô hình chưa triển khai. Việc triển khai thực hiện các mô hình điểm đã ứng dụng dữ liệu dân cư (DLDC), đẩy nhanh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC phục vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Cũng theo báo cáo, từ ngày 15/12/2020 đến 30/6/2024 TP đã thu nhận 7.923.439 HS cấp CCCD; từ ngày 1/7/2024 đến 15/9/2024 đã thu nhận HS cấp mới thẻ căn cước (CC) cho 280.631 trường hợp. Đến nay đạt 5.790.220 TK kích hoạt, 4.842.455 tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) mức 2.
Phấn đấu triển khai nhiều mô hình điểm
Thời gian qua, CATP đã tham mưu Hội đồng nhân dân TP tổ chức khảo sát việc quản lý, hỗ trợ thu thập thông tin dân cư, cấp ĐD và CC cho các trường hợp trẻ em cơ nhỡ đang được nuôi dưỡng tại các Cơ sở bảo trợ ngoài công lập trên địa bàn TP. Thủ Đức, Quận 7, huyện Bình Chánh... Qua đó, hỗ trợ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy khai sinh và giải quyết cư trú cho trên 200 trẻ tại các cơ sở này; tổ chức cấp 762 CC cho bệnh nhân tại Trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn.
Việc sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử thay thế thẻ BHXH trong khám chữa bệnh (KCB) cũng được TP tiếp tục duy trì thực hiện tại 408/409 cơ sở KCB. Tính đến thời điểm này, có 7.823.927 CCCD đã được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi KCB bằng CCCD; 8.694.297 lượt công dân sử dụng thẻ CCCD để KCB. Hiện cũng đã có hơn 4,6 triệu TK đăng ký khai báo, phê duyệt, giải đáp các vướng mắc... về ứng dụng VssID (BHXH số) cho người dân.
Trung tướng Lê Hồng Nam nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện Đề án 06 đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, nhờ chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động; trong đó, tập trung tuyên truyền hoạt động tổ chức cấp thẻ CC theo Luật CC; cấp và kích hoạt tài khoản ĐDĐT mức 2 đối với người dân; đặc biệt là các nhóm trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt, yếu thế... để không ai bị bỏ lại phía sau; góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và tiện ích cuộc sống của người dân; cảnh báo tình trạng lừa đảo nhằm giúp người dân nâng cao cảnh giác, không trở thành nạn nhân của các loại tội phạm; đẩy mạnh thực hiện các DVCTT, cải cách hành chính, ứng dụng VNeID... để phục vụ người dân tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Trung tướng Lê Hồng Nam cũng nhìn nhận một số tồn tại như: Hiện TP chưa hoàn thành việc triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) và việc triển khai 19 mô hình điểm tương tự Hà Nội theo chỉ đạo của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ còn trong "giai đoạn chưa hoàn thành".
Thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn TP theo đúng lộ trình, bên cạnh việc trình gởi các kiến nghị, đề xuất cần được tháo gỡ lên các bộ ngành có liên quan như: BHXH VN, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ GD - ĐT..., Ban chỉ đạo Đề án 06 TPHCM cũng đề ra những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai.
Theo đó, TP sẽ chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực triển khai thực hiện mô hình để triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNelD ở địa bàn; đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành phối hợp UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức và các đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu TP ban hành kế hoạch thực hiện mô hình điểm phù hợp với đặc thù của TP trên cơ sở 19 mô hình điểm đã triển khai tại Hà Nội. Tiếp tục tập trung các giải pháp bảo đảm dữ liệu dân cư luôn "đúng, đủ, sạch, sống" nhằm phục vụ công tác đồng bộ, kết nối và chia sẻ dữ liệu nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC đối với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; cũng như tiến hành kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06 TP năm 2024 tại các đơn vị. Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 19/5/2024 của Hội đồng nhân dân TP quy định thu lệ phí thực hiện TTHC áp dụng DVCTT trên địa bàn với mức phí 0 đồng nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia.
Đặc biệt, Sở Thông tin - Truyền thông tiếp tục phối hợp Trung tâm Chuyển đổi số, CATP và các đơn vị liên quan tham mưu UBNDTP chuẩn bị các điều kiện nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao về xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; triển khai các giải pháp để thực hiện có hiệu quả Luật Giao dịch điện tử và Nghị định 69/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 của Chính phủ quy định về ĐD, xác thực điện tử...