Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản để nâng cao giá trị sản xuất

Tái cơ cấu ngành thủy sản là một nhiệm vụ quan trọng trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh nên thời gian qua UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất, khai thác nhằm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân ven biển... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Tái cơ cấu ngành thủy sản là một nhiệm vụ quan trọng trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh nên thời gian qua UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất, khai thác nhằm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân ven biển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, người dân xã Hải Triều (Hải Hậu) áp dụng phương thức nuôi tôm thâm canh mang lại thu nhập cao.

Thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, người dân xã Hải Triều (Hải Hậu) áp dụng phương thức nuôi tôm thâm canh mang lại thu nhập cao.

Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Qua hơn 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung, ngành thủy sản nói riêng, đã cho thấy đây là chủ trương rất đúng và trúng nên được các cấp, ngành, các địa phương và người dân quan tâm thực hiện. Các nội dung tái cơ cấu ngành thủy sản được triển khai khá đồng bộ với sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, các HTX, các cơ sở sản xuất, chế biến và hộ nông dân nên nhiều nội dung đạt kết quả khá. Nuôi trồng thủy sản (NTTS) chuyển dần từ nuôi quảng canh sang thâm canh, thâm canh mật độ cao, nuôi theo chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đối tượng nuôi được chuyển dịch dần sang các giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao, có thị trường ổn định. Ở vùng mặn lợ, tôm thẻ chân trắng, cá bống bớp, cá song, cá vược đang dần trở thành những đối tượng chính thay thế các giống thủy sản truyền thống. Ở vùng nước ngọt có cá trắm đen, cá diêu hồng, cá lăng, cá lóc bông, cá Koi và các loại con đặc sản như ếch, ba ba, ốc bươu (ốc nhồi ta)...

Trong khai thác thủy sản, đội tàu các địa phương giảm số lượng tàu cá nhỏ khai thác vùng bờ, vùng lộng, duy trì ổn định số lượng tàu cá khai thác vùng khơi, tăng cường năng lực dịch vụ hậu cần và chế biến sản phẩm có nguồn gốc khai thác thủy sản, tổ chức khai thác theo tổ, đội. Cơ cấu nghề khai thác chuyển đổi theo hướng phát triển các nghề có tính chọn lọc cao, ít gây hại cho môi trường và nguồn lợi thủy sản như nghề lưới vây, nghề câu, nghề rê... Khuyến khích tàu cá vươn khơi khai thác tại các ngư trường mới, hợp tác để khai thác tại các ngư trường nước ngoài, tập trung tăng sản lượng các sản phẩm khai thác có giá trị cao. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập lại 22 tổ, đội, tổ hợp tác khai thác thủy sản được chính quyền địa phương công nhận theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP, tăng 4 tổ, đội so với năm 2017. Đã hình thành 15 HTX chuyên ngành thủy sản, góp phần tạo ra các chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tăng 3 HTX so với năm 2017. Tiêu biểu như chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ ngao giữa Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (KCN Hòa Xá) với các hộ nuôi ngao ở các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Mô hình tổ hợp tác liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm của Công ty Sơn Nguyệt với các hộ nuôi cá bống bớp ở huyện Nghĩa Hưng quy mô 200ha. Hiện nay, các mô hình này vẫn đang tiếp tục phát triển về quy mô sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cho người dân nông thôn.

Để thúc đẩy tái cơ cấu ngành thủy sản, trong khai thác thủy sản tỉnh đang tập trung phát triển các đội tàu có công suất máy lớn hơn 300CV để khai thác xa bờ gắn với việc phát triển mạng lưới thu gom, dịch vụ hậu cần thủy sản, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu cá xa bờ. Chương trình đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP được triển khai tích cực và đã có 36 tàu cá vỏ thép được đóng mới đưa vào khai thác; có 2 tàu cá đóng theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP đang làm thủ tục đề nghị hỗ trợ 1 lần sau đầu tư. UBND tỉnh đã phê duyệt đầu tư xây dựng 3 cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão, đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng Cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cửa Ninh Cơ huyện Hải Hậu; đưa vào sử dụng âu số 1 của khu neo đậu tránh trú bão cửa Ninh Cơ huyện Nghĩa Hưng; đang khởi công xây dựng 1 khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá Hà Lạn huyện Giao Thủy. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 17-4-2020 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ kinh phí mua sắm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cho ngư dân trên địa bàn tỉnh Nam Định. Theo đó, mỗi tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được hỗ trợ 50% kinh phí mua sắm, lắp đặt nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng/thiết bị/tàu.

Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, thời gian tới ngành Nông nghiệp và các địa phương tập trung các biện pháp để phát triển đa dạng hóa các đối tượng nuôi trên cơ sở lựa chọn các đối tượng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Nam Định, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong đó tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực, nhất là tôm và ngao. Tổ chức sản xuất theo hướng liên doanh liên kết, doanh nghiệp, HTX, hiệp hội, sản xuất theo chuỗi giá trị. Phát triển NTTS đồng bộ cả khu vực mặn lợ và nước ngọt, từng bước chuyển diện tích nuôi quảng canh sang nuôi bán thâm canh, thâm canh. Hình thành các vùng NTTS có hệ thống thủy lợi tưới tiêu riêng biệt, đáp ứng yêu cầu sản xuất tập trung. Áp dụng các công nghệ, mô hình nuôi tiên tiến bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Đầu tư hạ tầng, kỹ thuật cho hoạt động sản xuất giống thủy sản, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất giống nhằm tạo ra con giống sạch bệnh, tiến tới chủ động sản xuất tại chỗ các đối tượng nuôi hiện chưa sản xuất được. Cơ cấu lại đội tàu khai thác trên biển theo hướng giảm dần số lượng tàu khai thác gần bờ và giảm mạnh nghề lưới kéo. Tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết như tổ đội, nghiệp đoàn, HTX... nhằm nâng cao năng lực khai thác xa bờ, tìm kiếm ngư trường trên các vùng biển xa tiến tới khai thác vùng viễn dương. Ưu tiên các nghề khai thác có tính chọn lọc, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sản phẩm nhằm giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch. Đầu tư hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo giám sát hoạt động của tàu cá, đáp ứng yêu cầu theo pháp luật Việt Nam và các quy ước quốc tế; xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi đảm bảo phát triển NTTS theo quy mô lớn và bền vững. Tăng cường quản lý giám sát các cơ sở kinh doanh vật tư đầu vào phục vụ NTTS đảm bảo cung ứng đủ về số lượng và chất lượng cho nhu cầu sản xuất. Phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản theo mô hình tổ đội, hình thành các chuỗi liên kết cung ứng vật tư nhu yếu phẩm và thu mua hải sản giúp ngư dân vươn khơi bám biển, giảm chi phí sản xuất và giảm tổn thất sau thu hoạch. Nâng cao năng lực của Cảng cá Ninh Cơ và các khu neo đậu tránh trú bão; huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện các công trình đang xây dựng và bổ sung xây dựng các công trình đã được Chính phủ phê duyệt. Rà soát và tổ chức lại hoạt động của các bến cá để công bố mở cảng cá theo quy định của Luật Thủy sản 2017. Phấn đấu đến năm 2025 giá trị lĩnh vực thủy sản đạt 5.690 tỷ đồng (giá cố định 2010), tăng 10-12% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 57 nghìn tấn, tăng 3,6%; diện tích NTTS đạt 17.814ha, tăng 9,2%; sản lượng NTTS đạt 124.900 tấn, tăng 12% so với năm 2020./.

Bài và ảnh: Văn Đại

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202210/tiep-tuc-day-manh-tai-co-cau-nganh-thuy-san-de-nang-cao-gia-tri-san-xuat-2553393/