Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác văn thư, lưu trữ
Ngày 26/10, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc công tác văn thư, lưu trữ đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội năm 2023. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự hội nghị có đồng chí Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương và địa phương.
5 năm qua, công tác văn thư, lưu trữ Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đã hoàn thành nhiều mục tiêu, nhiệm vụ mà Hội nghị năm 2017 và Đề án phát triển công tác văn thư, lưu trữ đã xác định.
Các cơ quan, tổ chức đã nghiêm túc quán triệt, triển khai các quy định của Đảng và Nhà nước về văn thư, lưu trữ, bảo vệ bí mật nhà nước trong công tác văn thư, lưu trữ; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Công tác thu thập, chỉnh lý tài liệu Đại hội XIII của Đảng và đại hội Đảng bộ các cấp được chú ý làm tốt. Các phần mềm tin học ứng dụng ngày càng phát huy hiệu quả; công tác bảo vệ bí mật thông tin tài liệu được quan tâm; hợp tác quốc tế về công tác văn thư, lưu trữ dần đi vào chiều sâu, có định hướng…
Nhiệm vụ từ nay đến năm 2028, các văn phòng cơ quan, tổ chức tham mưu thường trực cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, tổ chức phổ biến, quán triệt Luật Lưu trữ (sửa đổi) và các quy định về công tác văn thư, lưu trữ. Các cơ quan, tổ chức tiếp tục cải tiến công tác văn thư ngày càng khoa học, hiện đại; cải cách thủ tục hành chính, giảm văn bản giấy, phấn đấu 100% văn bản điện tử được ký số, 100% văn bản đi, đến có bản điện tử gắn vào cơ sở dữ liệu quản lý văn bản và xử lý trên mạng nội bộ; toàn bộ cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử cho công việc.
Thực hiện gửi, nhận văn bản qua mạng thông tin diện rộng của Đảng, qua trục liên thông quốc gia đúng quy định. Tăng cường thu thập và tổ chức khoa học tài liệu lưu trữ; bảo quản, bảo vệ an toàn tài liệu lưu trữ của Đảng. Đẩy nhanh tiến độ số hóa tài liệu. Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, công tác văn thư, lưu trữ có vai trò rất quan trọng đối với công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. Trong 5 năm qua, công tác văn thư, lưu trữ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua con số rất sinh động. Đó là nhờ sự nỗ lực trực tiếp của đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ văn thư, lưu trữ; đồng thời cũng là kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, cơ quan, tổ chức.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác văn thư, lưu trữ, đồng chí đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quán triệt đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí quan trọng của công tác văn thư, lưu trữ. Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan chỉ đạo kiện toàn, đồng bộ các quy định; đổi mới công tác văn thư, lưu trữ theo hướng nhanh, chặt chẽ, khoa học, hiệu quả.
Đồng chí lưu ý, công tác văn thư, lưu trữ càng hiện đại càng đòi hỏi yêu cầu cao về quản lý, với đặc thù của các cơ quan Đảng, nhất là các cơ quan tham mưu chiến lược, cần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý và xử lý văn bản, nâng cao trách nhiệm bảo mật văn bản. Các cấp ủy, cơ quan, tổ chức đẩy mạnh thu thập, sưu tầm tài liệu về lịch sử Đảng, lịch sử quan hệ giữa Việt Nam với các nước, góp phần chuẩn bị cho việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; tích cực xử lý dứt điểm tình trạng tài liệu tồn đọng chưa được chỉnh lý; quan tâm việc xác định giá trị tài liệu và công tác giải mật. Đội ngũ làm công tác văn thư, lưu trữ cần được quan tâm tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nhằm bảo đảm tiêu chuẩn quy định; mỗi đồng chí cũng cần nâng cao ý thức tự học, tự rèn, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao trình độ, hiệu quả công việc.
Tại Hội nghị, các đại biểu chia sẻ một số kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng công tác lập hồ sơ; thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong công tác văn thư, lưu trữ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn thư, lưu trữ.