Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể

Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai và dịch bệnh, nhưng kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn khẳng định được vai trò, vị thế quan trọng. Các hợp tác xã hoạt động đúng luật, vốn quỹ tăng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn các khâu dịch vụ sản xuất, phát triển nhiều sản phẩm chất lượng cao. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

 Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại HTX Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng - Ảnh: H.T

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại HTX Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng - Ảnh: H.T

Tuy chỉ mới đi vào hoạt động được hơn 3 năm, nhưng nhờ xác định hướng đi đúng đắn, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh cùng sự đoàn kết của các thành viên, Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh và Dịch vụ nông sản Tây Vĩnh Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng HTX kiểu mới tại huyện Vĩnh Linh.

HTX Kinh doanh và Dịch vụ nông sản Tây Vĩnh Thủy hiện có 26 thành viên, đảm nhận trên 750 ha đất ở phía Tây của xã Vĩnh Thủy. Đến thời điểm này, HTX đã phát triển được hơn 78 ha cây ăn quả, trong đó có 68 ha đã cho thu hoạch. Đặc biệt, các thành viên HTX đã xây dựng thành công thương hiệu cho quả thanh long ruột đỏ, được chứng nhận VietGAP, có tem mác truy xuất nguồn gốc. Đồng thời đưa loại trái cây này trở thành một trong những sản phẩm chủ lực, có quy mô lớn tại địa phương. Giám đốc HTX Kinh doanh và Dịch vụ nông sản Tây Vĩnh Thủy Nguyễn Quang Hạnh cho biết: “Chúng tôi xuất phát từ những hộ dân, sau khi trồng các loại cây ăn quả có hiệu quả thì liên kết lại thành lập HTX. Sau khi có tư cách pháp nhân, HTX đã tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, tìm kiếm các loại giống mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương nhằm mở rộng, đa dạng, nâng cao năng suất các loại cây trồng, góp phần cải thiện cuộc sống cho nông dân”.

Toàn tỉnh hiện có 322 HTX, 1 liên hiệp HTX với 96.740 thành viên. Doanh thu bình quân đạt gần 10 tỉ đồng/HTX/ năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên từ 1,5 - 2 triệu đồng/lao động/năm. Bên cạnh những đóng góp về mặt kinh tế, các HTX tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền với người dân trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; giải quyết việc làm cho một bộ phận dân cư, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Liên minh HTX tỉnh đã chủ động, tích cực tham mưu Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, cấp ủy, chính quyền UBND các xã, phường, thị trấn tập trung chấn chỉnh, kiểm tra, đánh giá, rà soát, củng cố, tổ chức lại mô hình hoạt động các HTX. Nhờ vậy, hoạt động của HTX đã có nhiều chuyển biến tích cực, có hiệu quả cao, phù hợp với chủ trương, định hướng của tỉnh và địa phương. Đặc biệt, nhiều HTX đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa gắn với chuỗi giá trị sản phẩm như các HTX Long Hưng, Phú Hưng, Kim Long, Đông Dương (Hải Lăng); Linh An, Gà sạch Triệu Thượng, Gạo sạch Triệu Phong, Triệu Thuận (Triệu Phong); Hồ tiêu Cùa, Dược liệu Trường Sơn (Cam Lộ); Tiêu Vĩnh Linh, Mỹ Tú, Thủy Ba Tây, Thành Công (Vĩnh Linh); Đông Giang, Đông Thanh (Đông Hà); Dược liệu VanPa (Đakrông) đã tận dụng lợi thế của từng vùng, tạo ra các sản phẩm đặc trưng vùng, miền, gắn với chuỗi giá trị thương hiệu và giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho các thành viên. Nhiều HTX nông nghiệp khác tận dụng quỹ đất màu, đất hoang hóa… kết hợp phát triển sản phẩm lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, rau sạch, chăm nuôi sạch, các loại cây củ quả đặc trưng vùng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh có 7 HTX tiểu thủ công nghiệp và xây dựng; 8 HTX giao thông vận tải; 1 HTX dịch vụ vệ sinh môi trường. Ngoài ra, thực hiện quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành quy định, quy trình chuyển đổi mô hình quản lý và kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh, đến nay có 1 HTX chợ và 6 HTX nông nghiệp đang xây dựng kế hoạch trình đại hội thành viên xây dựng điểm kinh doanh dịch vụ, giới thiệu sản phẩm hoặc tham gia xây dựng quản lý chợ loại III. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, loại hình HTX phi nông nghiệp ở tỉnh hoạt động khá ổn định và hiệu quả. Tuy vậy, số lượng thành lập mới không tăng, quy mô hoạt động vẫn không thay đổi. Rất ít HTX tiếp cận được với các chủ trương, chính sách của nhà nước như chính sách tín dụng, đất đai và chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX.

Bên cạnh đó, hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân đã phát huy hiệu quả tích cực, trở thành kênh huy động vốn và cho vay tin cậy của người dân trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 11 quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động tại 35 xã, phường, thị trấn với 18.700 thành viên tham gia. Đến nay, huy động vốn 887 tỉ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt 993 tỉ đồng, nợ xấu chiếm 0,6% tổng dư nợ. Các quỹ tín dụng đã khẳng định được uy tín, niềm tin đối với thành viên, Nhân dân, cấp ủy, chính quyền trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, từ tình hình thực tiễn có thể thấy hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, HTX còn một số khó khăn như: Trình độ, năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ lãnh đạo một số HTX còn hạn chế, chưa thực sự năng động, chưa mạnh dạn trong đầu tư phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh; nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các HTX, nhất là khâu tiêu chuẩn hóa sản phẩm và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế...

Giai đoạn 2020 - 2025, trong bối cảnh mới với sự hội nhập sâu rộng thị trường thế giới, thực hiện Hiệp định FTA, thích ứng với diễn biến phức tạp của thiên tai và dịch bệnh, để đáp ứng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng đòi hỏi các HTX phải nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tạo ra sản phẩm có chất lượng và mẫu mã tốt. Bên cạnh đó, HTX phải chủ động chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị và HTX điển hình tiên tiến. Tăng cường công tác tuyên truyền; đẩy mạnh hoạt động tư vấn hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chăm lo cho các thành viên; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ tạo thành chuỗi cung ứng. Nâng cao giá trị sản phẩm bản địa, nhất là sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, định danh vùng trồng, chính danh hóa nhà sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...

Nhã Uyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=159518&title=tiep-tuc-doi-moi-nang-cao-hieu-qua-cua-kinh-te-tap-the