Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, kiến tạo kỷ nguyên phát triển mới
Trong 95 năm qua (3/2/1930 - 3/2/2025), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đất nước đã đi qua những giai đoạn lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển, được thế giới công nhận.
Đó là nền tảng, giúp Việt Nam tích lũy thế và lực, kiến tạo sự bứt phá trong giai đoạn tiếp theo, mở ra một Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đảng luôn hòa cùng hơi thở và mạch sống của Nhân dân
Trong 95 năm qua, kể từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930 - 3/2/2025), Đảng luôn hòa cùng hơi thở và mạch sống của Nhân dân, ý Đảng hợp lòng dân tạo nên sức mạnh quật khởi, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong thời kỳ mới, thời kỳ của hội nhập mạnh mẽ, Nhân dân tin tưởng, Đảng tiếp tục vững vàng lãnh đạo đất nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.
Như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, cả dân tộc ta thừa nhận Đảng là của mình với cách gọi thân thuộc "Đảng ta" và tin tưởng, quyết tâm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, tích cực bảo vệ và tham gia xây dựng Đảng. Điều này không phải đảng nào cũng có được vì Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân ta đi từ tháng lợi này đến thắng lợi khác. Và muốn người dân đồng lòng, Đảng không những phải phát huy những kinh nghiệm đã có, mà còn phải luôn xây dựng và chỉnh đốn, giữ gìn Đảng thật trong sạch, vững mạnh, đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ, xứng đáng với vai trò tiền phong.
Thực tiễn trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, qua các kỳ Đại hội, vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo luôn được Đảng coi trọng, từng bước thực hiện với những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả. Trong đó, Đại hội XIII đã nhấn mạnh “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới”. Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 về “tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.
Trên cơ sở các quan điểm được nhấn mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, bảo đảm thực hiện đúng cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, nhiều nghị quyết, chủ trương về sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả nhằm giảm bớt sự chồng chéo trong quản lý và nâng cao tính chủ động trong điều hành đã được ban hành. Tác phong, lề lối làm việc được đổi mới mạnh mẽ theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, với phương châm “đúng vai, thuộc bài”, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật, hiện đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 FTA gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Tính riêng năm 2024, tăng trưởng GDP ước đạt 7,09% vượt mục tiêu 6 - 6,5% đã đề ra; GDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023; thu hút vốn FDI đạt hơn 31 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới.
Cùng với những bước tiến đột phá về hạ tầng giao thông, các thành phố cũng đang phát triển mạnh mẽ theo mục tiêu đô thị hiện đại, văn minh, thông minh và đáng sống; nông thôn khởi sắc cùng chương trình xây dựng nông thôn mới. Thành quả phát triển kinh tế - xã hội đã mang lại những thay đổi rõ nét cho đất nước, lan tỏa mạnh mẽ, nâng cao mức sống, chất lượng sống của người dân. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên khi chúng ta đã bước vào “sân chơi” lớn. Hệ số tín nhiệm quốc gia và vị thế, uy tín quốc tế không chỉ là niềm tự hào lớn lao, còn tạo thời cơ, vận hội mới, nền tảng để Việt Nam tiếp tục đi tới thịnh vượng với các dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước vào năm 2030 và 2045. Nhìn nhận về thành công trong công cuộc đổi mới tại Việt Nam, nhiều nhà phân tích có chung quan điểm: “Vị thế trên trường quốc tế ngày càng cao và Việt Nam đang tạo ra những thế mạnh mới để một lần nữa cất cánh”.
Thúc đẩy sự năng động, sáng tạo
Hiện tại, đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên phát triển mới. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định, những kết quả đạt được qua 40 năm đổi mới là nền tảng và điều kiện quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, bước vào giai đoạn phát triển mới, giàu mạnh, phồn vinh hơn. Trong đó, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng để dẫn dắt dân tộc bước vào “kỷ nguyên vươn mình” đang đặt ra cấp bách. Như PGS.TS Vũ Văn Phúc (Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương) đã nhận định, sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới của dân tộc, của Nhân dân ta luôn luôn vận động, phát triển cho phù hợp với tình hình mới, bối cảnh mới. Thực tiễn đó đòi hỏi Đảng ta cũng phải luôn luôn đổi mới phương thức lãnh đạo của mình để xứng đáng với vai trò là người lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.
Khi trao đổi tại lớp Bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh về những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó “cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng” là vấn đề đầu tiên được chỉ rõ. Tổng Bí thư nhấn mạnh, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, đảm bảo Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ đang đặt ra cấp thiết.
Tổng Bí thư cũng chỉ ra những giải pháp chiến lược như: thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, bộ “tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan Nhà nước. Bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý; phân biệt và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức đảng, tránh tình trạng bao biện làm thay, hoặc tồn tại song trùng, hình thức. Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng. Nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức Đảng phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ thực hiện, xác định đúng, trúng yêu cầu, nhiệm vụ, con đường, cách thức phát triển của đất nước, của dân tộc, của từng địa phương, từng bộ, ngành; phải có tầm nhìn, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực và tính khả thi; tạo sự phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng và động lực thôi thúc hành động của cán bộ, đảng viên, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và Nhân dân thực hiện Nghị quyết của Đảng. Xây dựng các chi bộ cơ sở vững mạnh, có tính chiến đấu cao, có năng lực đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống; đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở Đảng, đảm bảo hoạt động sinh hoạt chi bộ thực chất, hiệu quả…
"Đối với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã quán triệt công tác trọng tâm trước tiên là tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay, nhưng đồng thời cũng chống sự buông lỏng lãnh đạo của Đảng. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng; xây dựng cơ sở dữ liệu tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và văn kiện của Đảng, kết nối từ Trung ương tới cơ sở, kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu khác, phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Những điều này phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng)
Theo các nhà nghiên cứu, việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay được thể hiện trên phương diện Đảng không can thiệp quá sâu vào công việc của các cơ quan Nhà nước và "dành đất" cho sự sáng tạo, năng động của cơ quan Nhà nước, các cán bộ đảng viên giữ các chức vụ Nhà nước. Nếu làm được như vậy, lãnh đạo cầm quyền của Đảng sẽ uyển chuyển và khi đã uyển chuyển như vậy, hiệu quả thực thi các mục tiêu chính trị hay là mục tiêu mà Đảng đề ra qua các nghị quyết, chính sách, các cương lĩnh sẽ hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn và đạt nhiều thành tựu tốt hơn. Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, đổi mới mạnh mẽ tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, với phương châm “đúng vai, thuộc bài”, đây là một quan điểm dám nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn, quyết đoán và khẳng định việc thường xuyên đổi mới để phát huy những mặt mạnh, khắc phục những hạn chế trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là một điều hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan.
Theo TS Nguyễn Viết Chức (Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa - xã hội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam), chính sự linh hoạt, sáng tạo, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng đã chèo lái con thuyền đất nước vượt qua được những khó khăn. Chúng ta đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên phát triển mới, giai đoạn phát triển mới, đặt ra một khát vọng lớn, trở thành nước đang phát triển có thu nhập cao vào năm 2030, đặc biệt đến 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Do đó, phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đây chính là kinh nghiệm của Đảng ta trong suốt quá trình cách mạng, đó là luôn sáng tạo, luôn đổi mới nhưng bản chất không thay đổi.
"Đảng lãnh đạo là lãnh đạo tập thể, mọi quyết sách của Đảng được bàn bạc một cách dân chủ và quyết định một cách tập thể, chứ không thông qua một cá nhân nào cả. Đặc biệt, Đảng lãnh đạo thông qua sự nêu gương của cán bộ đảng viên, và đây là tính ưu việt trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Nếu như cán bộ, đảng viên nêu gương; nhất là những cán bộ, đảng viên là lãnh đạo quản lý nêu gương thì sức lan tỏa trong toàn Đảng, trong toàn xã hội rất lớn. Sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới của dân tộc, của Nhân dân ta luôn luôn vận động, phát triển cho phù hợp với tình hình mới, bối cảnh mới" - PGS. TS. Vũ Văn Phúc (Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư):
“Trước những dấu mốc có tính bước ngoặt này, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đang rất trông đợi, kỳ vọng lớn vào những quyết sách mới, mạnh mẽ và sáng suốt của Đảng để mang lại những đột phá phát triển cho đất nước” - TS Nguyễn Viết Chức nêu.
Một mùa Xuân mới lại đến cùng dấu mốc 95 năm Ngày thành lập Đảng, cả nước cũng đang sống trong không khí phấn khởi bởi những kết quả đã đạt được trên các lĩnh vực trong năm 2024, tự tin bước vào năm 2025, năm về đích của nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho thời điểm bắt đầu "Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" là Đại hội XIV của Đảng. Như nhiều ý kiến đã nhận định, sự vươn mình của dân tộc trong "Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" là sự nghiệp cách mạng to lớn mang tính toàn Đảng, toàn dân, toàn diện, thể hiện khát vọng đưa sự nghiệp đổi mới đất nước lên một tầm cao mới, nhưng cũng là một sự nghiệp khó khăn, đầy thách thức, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp cải cách mạnh mẽ, quyết liệt trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Từ đó, tạo ra những bứt phá mới để tranh thủ tối đa thời cơ, vận hội phát triển, vượt qua các thách thức, nhằm đạt mục tiêu. Chặng đường phía trước vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm, định hướng trong đổi mới từ phương thức lãnh đạo của Đảng, đến hoạt động của hệ thống chính trị, khi “ý Đảng, lòng Dân” hòa quyện, niềm tin của người dân với Đảng được củng cố, dâng cao, những khó khăn cũng sẽ dễ dàng vượt qua hơn.