Tiếp tục đổi mới việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội
Triển khai hoạt động nghiên cứu năm 2024 của đề tài cấp Bộ 'Tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm định hướng sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật', sáng 12/12, tại nhà Quốc hội Ban Chủ nhiệm Đề tài phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo 'Lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, thực trạng và kiến nghị'.
Thực tiễn cho thấy, hầu hết các dự án được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật hằng năm của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV là kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo Định hướng Chương trình. Việc xem xét, thông qua Chương trình đã giúp các cơ quan chủ động xây dựng kế hoạch để bảo đảm thực hiện và kết quả là qua các giai đoạn, số lượng luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày càng tăng, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Đưa ra kiến nghị đổi mới việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, các đại biểu cho rằng, Quốc hội cần ban hành Định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội; lập Dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu đổi mới theo hướng này sẽ cơ bản chấm dứt được tình trạng xin điều chỉnh, rút hoặc hoãn trình dự án luật, pháp lệnh; tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi của Dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội.
Đồng thời, cần chú trọng đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác lập pháp, bảo đảm định hướng chiến lược, thống nhất nhận thức và hành động trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập trong từng nhiệm kỳ, trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, một trong ba đột phá chiến lược Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra là tập trung vào thể chế. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã có bài phát biểu quan trọng thể hiện mạnh mẽ tinh thần chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, trong đó thẳng thắn chỉ ra trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Từ đó, đặt ra yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó cần đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật. Các ý kiến tâm huyết của các chuyên gia trong hội thảo sẽ được ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu, nghiên cứu phục vụ sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!