Tiếp tục đưa thị trường chứng khoán có bước phát triển mới về chất trong năm 2024
Năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị liên quan không được chủ quan và phải luôn chủ động trước khó khăn khó lường để tiếp tục đưa thị trường chứng khoán có bước phát triển mới về chất, trong năm 2024 này.
Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu Xuân Giáp Thìn 2024, diễn ra tại Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) TP. Hồ Chí Minh (HOSE) ngày 19/2/2024 (ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Buổi lễ còn có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; ông Phạm Văn Hoàng – Tổng giám đốc Sở GDCK Việt Nam; đại diện lãnh đạo Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, Sở GDCK Hà Nội, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh, cùng đại diện lãnh đạo thành viên thị trường, doanh nghiệp niêm yết và các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Việt Hà – quyền Chủ tịch Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh, cho biết năm 2023, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước diễn biến phức tạp, song nhờ có chính sách chỉ đạo điều hành chủ động và linh hoạt của Chính phủ, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được giữ vững, qua đó đã hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán (TTCK) tăng trưởng ổn định và tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư.
Kết thúc phiên giao dịch cuối năm 2023, chỉ số VN-Index đạt 1.129,93 điểm, tăng 12,2% và giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu trên HOSE đạt khoảng 4,56 triệu tỷ đồng, tăng 13,4% so với cuối năm trước.
Năm 2023, với nguyên tắc “An toàn – Hiệu quả - Bền vững”, HOSE đã đạt được một số kết quả trong công tác tổ chức thị trường: hoạt động giao dịch thông suốt; công tác giám sát được tăng cường; tinh thần xây dựng hướng đến phát triển bền vững lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp niêm yết. Dự án công nghệ thông tin với nhà thầu Hàn Quốc cũng đạt được một số bước tiến đáng kể, đã thực hiện xong giai đoạn kiểm thử người dùng cuối cùng (FAT) và tiến đến xem xét việc triển khai hệ thống trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá cao những kết quả quan trọng đã đạt được của TTCK trong năm 2023, tính kỷ cương, kỷ luật của thị trường được nâng cao, quyền và lợi ích của các đối tượng tham gia thị trường ngày càng được đảm bảo, củng cố niềm tin cho công chúng đầu tư.
“Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động đến tình hình kinh tế - tài chính trong nước, song TTCK Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng về chỉ số, quy mô vốn hóa, có thanh khoản tốt. Nhiều tổ chức quốc tế, các thành viên thị trường và chuyên gia đều cho rằng, TTCK Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định” – Thứ trưởng cho hay.
Nhận định thị trường chứng khoán năm 2024 có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, Thứ trưởng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị liên quan không chủ quan và phải luôn chủ động trước khó khăn khó lường trong năm nay.
"Tiếp tục đưa TTCK có bước phát triển mới về chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp hướng đến nâng hạng thị trường trong thời gian sớm nhất. Cả cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị vận hành thị trường, các thành viên thị trường và doanh nghiệp niêm yết... đều phải chủ động, cụ thể hóa các giải pháp, các bước đi để giúp thị trường đi lên một giai đoạn phát triển mới” – Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi.
Trong năm 2024, để hỗ trợ TTCK Việt Nam tiếp tục phát triển, Thứ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực chứng khoán và TTCK, đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hướng đến sự phát triển ổn định của thị trường.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo hệ thống giao dịch, lưu ký, thanh toán bù trừ trên TTCK vận hành ổn định, liên tục, an toàn, thông suốt.
Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã chỉ đạo các đơn vị giữ vững kỷ luật, kỷ cương thị trường, nâng cao hiệu quả kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tất cả trường hợp vi phạm, đảm bảo quyền và hợp ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường, không để bất kỳ một đối tượng nào trục lợi trên thị trường.
“Trong lĩnh vực chứng khoán cũng “không có vùng cấm". Các trường hợp vi phạm cần được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh; đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với đó, tiếp tục đưa TTCK có bước phát triển mới về chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp hướng đến nâng hạng thị trường trong thời gian sớm nhất. “Cả cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị vận hành thị trường, các thành viên thị trường và doanh nghiệp niêm yết... đều phải chủ động, cụ thể hóa các giải pháp, các bước đi để giúp thị trường đi lên một giai đoạn phát triển mới” – Thứ trưởng yêu cầu.
Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu công tác thông tin tuyên truyền về lĩnh vực chứng khoán và TTCK một cách tốt nhất, minh bạch nhất để công chúng đầu tư nắm bắt đầy đủ và tự giác chấp hành các quy định pháp luật trên TTCK, giữ vững kỷ cương, kỷ luật thị trường.
“Để đạt được các mục tiêu trên, đòi hỏi những chỉ đạo quyết liệt, sâu sát từ các cơ quan quản lý cũng như sự quyết tâm, nỗ lực của thành viên thị trường. Các sở GDCK, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sẽ là đơn vị đi đầu và chủ động phối hợp hiệu quả với cơ quan quản lý trong việc tổ chức vận hành TTCK an toàn, hiệu quả trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” – Thứ trưởng chỉ đạo và cho biết thêm./.
Cũng tại lễ đánh cồng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương đã thay mặt cho ngành Chứng khoán tiếp thu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi; đồng thời sẽ cụ thể hóa các ý kiến chỉ đạo bằng chương trình hành động, đề ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao để TTCK có bước đổi mới mạnh mẽ hơn, hoạt động hiệu quả, minh bạch và bền vững trong năm 2024.