Tiếp tục duy trì và nâng cao các danh hiệu văn hóa
Với nhiều cách làm hay, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa đã phát triển sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Hiệu quả của việc xây dựng các danh hiệu văn hóa đã góp phần vào việc bồi đắp nhân cách con người, thúc đẩy các phong trào xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở phát triển, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Theo Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (gọi tắt là phong trào) tỉnh Thanh Hóa, năm 2024 toàn tỉnh ước có 83% số hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 82,3% thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa” và 28 xã, phường, thị trấn được công nhận danh hiệu “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”.
Để duy trì và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, ban chỉ đạo phong trào các cấp đã chú trọng triển khai các nội dung của phong trào. Trong đó, xây dựng và nâng cao chất lượng xây dựng các danh hiệu văn hóa được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng đời sống văn hóa và là nội dung chính của phong trào. Từ đó, hướng đến xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, cộng đồng dân cư văn minh, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.
Thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, ban chỉ đạo phong trào cấp tỉnh đã bám sát các văn bản, hướng dẫn của cấp trên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện phong trào. Theo đó, ban chỉ đạo phong trào các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch hằng năm sát với thực tế địa phương. Đồng thời, quan tâm nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác văn hóa. Ban chỉ đạo phong trào cấp tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn triển khai cách tuyên truyền, tổ chức, triển khai các nội dung về xây dựng, bình xét các danh hiệu văn hóa tại cơ sở. Cùng với đó, ban chỉ đạo phong trào cấp tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện phong trào và xây dựng các danh hiệu văn hóa đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Trong quá trình xây dựng các danh hiệu văn hóa, các địa phương đều thực hiện đúng nguyên tắc, khách quan, công bằng, dân chủ và công khai trong việc xét công nhận các danh hiệu văn hóa. Nhiều địa phương đã lựa chọn những cách làm phù hợp với tình hình địa phương để phong trào lan tỏa sâu rộng.
Tại huyện Triệu Sơn, hằng năm, ban chỉ đạo phong trào đã hướng dẫn các địa phương đưa chỉ tiêu của phong trào, chỉ tiêu xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan đơn vị văn hóa vào nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; gắn việc thực hiện phong trào nói chung và phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa nói riêng với chương trình XDNTM.
Đối với công tác tuyên truyền, huyện đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chú trọng việc nêu gương các điển hình trong xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Nhờ đó, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng khu dân cư văn hóa trên địa bàn huyện luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Năm 2024, toàn huyện ước có 243/254 thôn được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt 95,7%; có 86,8% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Tại huyện Nông Cống, để phong trào xây dựng các danh hiệu văn hóa đạt kết quả khả quan, ban chỉ đạo phong trào huyện đã hướng dẫn các địa phương đưa các nội dung xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa vào hương ước, quy ước của thôn, khu phố. Các hương ước, quy ước thường xuyên được sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế. Đến nay 100% các thôn đã xây dựng hương ước, việc thực hiện hương ước trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để bình xét danh hiệu gia đình văn hóa. Đồng thời, trở thành “khung mền” điều chỉnh, hành vi của người dân. Nhờ đó, người dân tại các khu dân cư không chỉ tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn hăng hái tham gia lao động sản xuất, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Để đảm bảo tính liên tục, nâng cao hiệu quả các danh hiệu văn hóa, ban chỉ đạo phong trào các cấp cần tiếp tục phổ biến, triển khai các văn bản, hướng dẫn của cấp trên về triển khai xây dựng các danh hiệu văn hóa đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chú trọng đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền để các nội dung xây dựng các danh hiệu văn hóa dễ nhớ, dễ thực hiện.