Tiếp tục ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết

Số liệu thống kê từ Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 53.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Các ca mắc SXH năm nay có chiều hướng nặng hơn so với mọi năm, đã ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh diễn biến nặng.

Bác sĩ điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, vừa ghi nhận trường hợp tử vong vì SXH tại TP Buôn Ma Thuột. Đây là trường hợp đầu tiên tại Đắk Lắk tử vong vì SXH tính từ đầu năm đến nay.

Bệnh nhân vừa tử vong nói trên là H.H.K. (nam, SN 2013, trú tại phường Thành Công, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Thông tin ban đầu cho biết, trước đó 1 tuần, bệnh nhân K. xuất hiện các triệu chứng sốt cao liên tục, mệt nhiều và được người nhà cho uống thuốc hạ sốt nhưng bệnh không đỡ nên được đưa vào Bệnh viện Nhi Đức Tâm điều trị.

Sau 4 ngày, bệnh nhân diễn biến nặng nên được chuyển đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán SXH Dengue nặng cuối ngày thứ 4 có sốc/thừa cân. Bệnh diễn biến nặng và bệnh nhân đã tử vong với chẩn đoán sốc SXH Dengue nặng cuối ngày thứ 5 tái sốc lần 1 có suy đa tạng nặng/thừa cân.

Được biết, từ cuối tháng 7 đến nay, tại tỉnh Đắk Lắk, dịch SXH gia tăng rất nhanh với nhiều ổ dịch, điểm "nóng" về dịch bệnh. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.453 trường hợp mắc SXH.

Trước đó, tại Hải Phòng, theo thông tin từ Sở Y tế Hải Phòng, trên địa bàn cũng đã ghi nhận trường hợp ca bệnh sinh năm 1979 tử vong tại nhà riêng ở Thiên Lôi, quận Lê Chân với chẩn đoán sốc Dengue - viêm phổi nặng, bội nhiễm kèm theo, suy đa tạng.

Còn tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian qua cơ sở y tế này liên tục tiếp nhận những ca SXH Dengue nặng, diễn biến phức tạp với nhiều dấu hiệu cảnh báo và biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin: Trung tâm tiếp nhận hàng chục ca SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo nhập viện. Điều khác biệt năm nay là khu vực ngoại thành như Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ… và các tỉnh như Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình… các ca SXH có vẻ như xảy ra sớm và nặng hơn mọi năm.

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, SXH thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn là giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Từ ngày thứ 1 đến ngày 3 là giai đoạn sốt, ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm, từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 là giai đoạn hồi phục. Trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh đến giai đoạn nguy hiểm. Ở thời điểm này bệnh nhân không còn sốt nhưng sẽ có hiện tượng máu cô đặc nếu không bù đủ dịch, từ đó bệnh nhân có thể sốc do cô đặc máu. Biến chứng này rất khó chữa, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.

ThS.BS Hà Huy Tình - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Hà Nội) cũng nêu thực trạng: Phần lớn các trường hợp điều trị tại nhà mắc sai lầm chỉ chú trọng điều trị giai đoạn đầu như sốt cao thì tìm mọi cách hạ sốt, khi cơn sốt đã ngắt thì không đi thăm khám lại mà cho rằng bệnh đã khỏi. Thế nhưng, đối với SXH thì giai đoạn ngắt sốt mới chính là lúc nguy hiểm nhất. Đến khi bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết da, chảy máu cam, chảy máu lợi… mới đến viện thăm khám khi đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Đồng thời, khi bắt đầu sốt, người bệnh thường sốt ruột, lo lắng tìm mọi cách để nhanh chóng hạ cơn sốt bằng cách tăng liều thuốc hạ sốt, hoặc vừa dùng đường uống vừa dùng đường hậu môn, hoặc kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau… Điều này cực kỳ nguy hiểm vì việc dùng quá liều có thể gây ngộ độc thuốc, suy gan, suy thận…

Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi nghi ngờ mắc SXH, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm chẩn đoán phù hợp, trong 3 ngày đầu nếu có chỉ định theo dõi tại nhà cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, ăn thức ăn lỏng, cháo, súp, sữa, uống nhiều nước… Nếu thấy bệnh nhân có chuyển biến nặng hơn như li bì, vật vã, chân tay lạnh, nôn nhiều… cần đưa ngay đến cơ sở y tế thăm khám. Không có diễn biến bất thường cũng cần thăm khám lại theo hẹn của bác sĩ. SXH cần được chẩn đoán và có phác đồ điều trị sớm, tránh tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà.

Muỗi vằn aedes egypti là nguồn lây bệnh chính. Muỗi thường sống ở các khu vực gần với nơi con người sinh sống, khu đô thị. Cần lưu ý xử lý, loại bỏ các khu vực tối tăm, ẩm thấp, môi trường nước đọng tạo điều kiện để muỗi sinh sôi, phát triển. Ngoài ra cần phun thuốc diệt côn trùng, diệt muỗi, sử dụng các thiết bị đuổi, bắt muỗi, lắp đặt lưới chắn muỗi cửa sổ và dùng màn khi ngủ.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), hiện nay ở Việt Nam chưa có vaccine cũng như chưa có thuốc đặc trị cho SXH Dengue. Do đó, khi nghi ngờ hoặc bị SXH, người bệnh cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế, nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước. Có thể uống Paracetamol để hạ sốt và làm dịu cơn đau. Tuyệt đối không uống Aspirin hoặc Ibuprofen vì hai thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tiep-tuc-ghi-nhan-ca-tu-vong-do-sot-xuat-huyet-10288254.html