Tiếp tục hành trình 'vượt bão'
Năm 2023, mặc dù đã chủ động dự báo, nhưng tác động tiêu cực của kinh tế thế giới ảnh hưởng không nhỏ tới nước ta. Vượt lên khó khăn, cả nước đạt được nhiều kết quả tích cực, như: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách có khả năng vượt mục tiêu đề ra; đối ngoại tiếp tục có kết quả tốt, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhưng vẫn còn không ít trở ngại trên hành trình phát triển, dự báo kéo dài.
Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có độ mở kinh tế tăng nhanh và lớn nhất thế giới. Bên cạnh những mặt tích cực, nếu không có giải pháp, chính sách tốt, nền kinh tế có độ mở cao sẽ đem lại nhiều hệ lụy, như: Nền kinh tế dễ bị tổn thương, nhạy cảm với biến động từ bên ngoài; tăng trưởng cao nhưng vẫn ở vị trí cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu, nguy cơ là công xưởng gia công, nguy cơ rơi vào bẫy trung bình…
Năm 2023, bức tranh kinh tế - xã hội (KTXH) cả nước đan xen mảng màu sáng - tối. Trong đó, dự báo 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, gồm nhiều chỉ tiêu quan trọng trên lĩnh vực kinh tế, phản ánh chất lượng tăng trưởng (tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP); tình trạng doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, số DN giải thể, phá sản tăng cao (tính chung 9 tháng, số DN rút lui khỏi thị trường là 135.000, bình quân 1 tháng có 15.000 DN rút lui khỏi thị trường), tình trạng người lao động mất việc, thiếu việc làm tại nhiều khu công nghiệp... là những yếu tố có tác động sâu sắc, tiêu cực đến cục diện KTXH.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong (đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang) ghi nhận nỗ lực vượt “bão lớn” của Chính phủ, khi đã điều hành quyết liệt các lĩnh vực, đưa KTXH cả nước phát triển. Tuy nhiên, nỗi lo lắng vẫn song hành. “Tôi nhận thấy số liệu phát triển KTXH trong 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) chưa khả quan, có dấu hiệu chậm lại; cần đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện hơn. Các số liệu đều cho thấy giảm so cùng kỳ, rất khó đạt được theo mong muốn. Tình trạng thiếu giáo viên đang tồn tại, kể cả ở tỉnh An Giang. Tinh giản biên chế không chỉ là cắt giảm một cách cơ học, gây áp lực rất lớn cho đội ngũ giáo viên còn lại, như cách làm của một số nơi hiện nay. Phục hồi du lịch khá chậm, có thể gọi là “đìu hiu”. Chính phủ, các bộ ngành cần quan tâm phát triển khách du lịch trong nước bền vững hơn, thay vì chỉ nhắm đến lượng khách quốc tế” - ĐBQH Đôn Tuấn Phong đề nghị.
Thảo luận về tình hình phát triển KTXH của năm 2023, phương hướng năm 2024, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh thông tin ý kiến của cử tri tỉnh An Giang về khó khăn trong đời sống sinh hoạt; DN khó tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ tại ngân hàng... “Đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn trong giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (nhất là công trình trọng điểm quốc gia và ở địa phương).
Bên cạnh đó, Chính phủ có cơ chế, chính sách trợ giá, miễn giảm thuế cho DN cuối năm 2023, đầu năm 2024, giúp kích thích tiêu dùng trong xã hội. Chỉ có cách này mới vực dậy thị trường lao động, kích thích tiêu dùng, tạo dòng chảy lớn trong nền kinh tế. Chính phủ cần thảo luận, nghiên cứu, đánh giá vì sao các gói tín dụng không thể thâm nhập, thẩm thấu vào đời sống; xây dựng loại hình kinh tế, sản phẩm, dịch vụ mới cho Việt Nam, tạo không gian hoặc kênh kinh tế mới. Nếu không, việc làm, thu nhập đến đó là hết, không đảm bảo phát triển trong tương lai” - ĐBQH Trình Lam Sinh nêu ý kiến.
Nhìn về góc độ văn hóa - xã hội, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương quan tâm đến các giải pháp bảo vệ trẻ em: “Nghị quyết 121/2020/QH14, ngày 19/6/2020 của Quốc hội đặt ra yêu cầu “kiềm chế, kéo giảm từ 5 - 7% các loại tội phạm xâm hại trẻ em”. Nhưng từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại có chiều hướng gia tăng. Trong đó, tỷ lệ trẻ em bị bạo lực gia đình năm 2020 chiếm 5,5%, đến năm 2022 chiếm đến 7,5%. Một số vụ việc trẻ em bị xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng lại chính do người thân, người có trách nhiệm chăm lo chăm sóc nuôi dưỡng cho trẻ gây ra.
Đề xuất Quốc hội, Chính phủ tăng cường chỉ đạo ưu tiên đảm bảo nguồn lực, chú trọng hơn nữa công tác giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa các tổ chức, nhất là đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, để việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em được thực hiện một cách đồng bộ, thiết thực và hiệu quả hơn”.
Vấn đề khác được ĐBQH Trần Thị Thanh Hương quan tâm là đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xử lý nhà, đất công dôi dư. Vẫn còn nhiều trụ sở đơn vị hành chính sau khi sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả. Việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng gặp rất nhiều khó khăn, chi phí cải tạo sửa chữa cao, việc tổ chức thanh lý bán đấu giá còn chậm… Đại biểu mong muốn Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo, có giải pháp cụ thể, sát hợp tình hình thực tế hơn nữa, nhằm nhanh chóng tháo gỡ tình trạng trụ sở đơn vị hành chính sau khi sắp xếp xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí, ảnh hưởng đến chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.
Trong nhiều phiên thảo luận của kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XV), các ĐBQH đề nghị cần phân tích cụ thể, có giải pháp ứng phó, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trước mắt, cũng như kiên định mục tiêu dài hạn, yêu cầu phát triển bền vững để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cân đối thu chi ngân sách Nhà nước, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy động lực tăng trưởng chính, ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng hấp thụ vốn, điều hành hợp lý giá, lãi suất, kiểm soát hợp lý chất lượng tín dụng…
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tiep-tuc-hanh-trinh-vuot-bao--a379026.html