Tiếp tục hỗ trợ người dân xung quanh các bãi rác
Những năm qua, Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực để chăm lo, bảo đảm sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân quanh các bãi rác: Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Tuy nhiên, người dân vẫn cần thêm các chính sách hỗ trợ.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra ngày 26-9, cử tri thị xã Sơn Tây, huyện Sóc Sơn tiếp tục kiến nghị thành phố xem xét các chính sách hỗ trợ về di dân, cấp bảo hiểm y tế, kinh phí độc hại cho người dân trong vùng ảnh hưởng môi trường của các bãi rác.
Cụ thể, cử tri Quách Thanh Tâm (xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây) cho biết, bãi rác Xuân Sơn đã hình thành 20 năm nhưng việc hỗ trợ độc hại cho người dân trong bán kính ảnh hưởng 500m còn bất cập.
Thực tế, vấn đề này được cử tri, nhân dân kiến nghị nhiều lần và đã được thành phố quan tâm giải quyết. Trong đó, người dân đang sinh sống trong phạm vi bán kính 500m ảnh hưởng môi trường của khu vực xử lý rác thải Xuân Sơn và Nam Sơn (trừ các đối tượng đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách nhà nước) đã được thành phố hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế từ nhiều năm qua; tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng trong bán kính 500m quanh các bãi rác...
Bên cạnh đó, thành phố đã nỗ lực áp dụng các chính sách đặc thù nhiều hơn dành cho người dân trong khu vực ảnh hưởng. Dù vậy, những chính sách vẫn chưa giải quyết triệt để, khiến người dân còn lo lắng.
Hiện, trên địa bàn thành phố mỗi ngày có khoảng 5.000 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận trung bình mỗi ngày khoảng 4.000 tấn rác. Bãi rác Xuân Sơn tiếp nhận xử lý trên 1.000 tấn rác theo hình thức đốt kết hợp chôn lấp.
Người dân băn khoăn khi công suất thiết kế của các bãi rác hiện chưa thể đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận rác, trong khi các nhà máy xử lý rác chưa được đưa vào hoạt động hoặc chưa hoạt động hết công suất, về lâu dài có thể ảnh hưởng hơn đến môi trường xung quanh.
Cử tri mong muốn, trước mắt, thành phố xem xét và chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện quan trắc, đánh giá tác động môi trường tại các khu vực trên.
Căn cứ trên kết quả quan trắc, đánh giá tác động, thành phố chỉ đạo UBND các địa phương, Sở Y tế phối hợp với các ban, ngành liên quan thực hiện nghiên cứu, tham mưu các giải pháp bảo đảm quyền lợi, sức khỏe của người dân tại khu vực ảnh hưởng. Đồng thời, sớm giải quyết dứt điểm những kiến nghị của người dân về công tác giải phóng mặt bằng và có lộ trình hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân trong vùng bán kính ảnh hưởng môi trường của các bãi rác.
Về lâu dài, thành phố cần kiến nghị Trung ương tăng cường phân cấp, giao quyền cho Thủ đô trong việc quyết định tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật, tạo cơ chế đặc thù, vượt trội để giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc về môi trường, rác thải.
Bên cạnh đó, khi xây dựng mới các khu, nhà máy xử lý rác thải cần kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; lựa chọn nhà đầu tư có công nghệ xử lý rác tốt nhất… để bảo đảm môi trường, không làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tiep-tuc-ho-tro-nguoi-dan-xung-quanh-cac-bai-rac-643318.html