Tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh các bất cập trên hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch

Chiều ngày 13/8, Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị khảo sát, đánh giá tình hình triển khai chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 2024 trên địa bàn tỉnh. Dự hội nghị có đại diện Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp, đại diện Quỹ dân số liên hợp quốc (UNFPA), tổ chức Vital Strategies.

Hội nghị khảo sát, đánh giá tình hình về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 2024 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hội nghị khảo sát, đánh giá tình hình về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 2024 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Báo cáo với đoàn khảo sát về việc triển khai thực hiện đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, ông Nguyễn Văn Hưng- Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các Quyết định về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án số hóa dữ liệu từ sổ hộ tịch giấy vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc tại tỉnh Thừa Thiên Huế; đảm bảo dữ liệu từ sổ hộ tịch giấy trước thời điểm áp dụng phần mềm đang lưu trữ tại Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, UBND cấp xã được cập nhật, số hóa vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp

Đến hết ngày 08/8/2024, đơn vị thi công (Công ty CP Đầu Tư Thương Mại và Phát Triển Công Nghệ FSI) đã scan, nhập liệu từ sổ hộ tịch giấy; và công chức tư pháp các xã, phường, thị trấn đã kiểm tra, rà soát phê duyệt kết quả số hóa trên phần mềm 158 cũng như chuyển dữ liệu lên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Hiện trên địa bàn tỉnh có 03/10 đơn vị là thị xã Hương Thủy, huyện Quảng Điền, huyện Phong Điền cơ bản đã hoàn thành việc số hóa dữ liệu hộ tịch.

Ông Nguyễn Văn Hưng- Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo tại hội nghị

Ông Nguyễn Văn Hưng- Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo tại hội nghị

Từ ngày 01/02/2018, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đồng loạt áp dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch. Việc sử dụng phần mềm tạo thuận lợi cho công tác thống kê hộ tịch theo Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch. Việc ứng dụng phần mềm không chỉ giúp giảm tải công việc cho cán bộ chuyên môn, góp phần giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan đến hộ tịch, tiết kiệm thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thống kê hộ tịch, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

Tính đến thời điểm hiện nay, các thủ tục hành chính đăng ký hộ tịch tại các Phòng Tư pháp và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh được cập nhật đầy đủ trên phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch. 100% cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch thực hiện, sử dụng phần mềm thành thạo, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến giao dịch, đặc biệt là hồ sơ đăng ký khai sinh liên quan đến việc cung cấp thông tin mã số định danh cho công dân.

Bà Lò Thùy Linh, Phó Trưởng Phòng quản lý hộ tịch, Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp giải đáp các vướng mắc của Sở Tư pháp

Bà Lò Thùy Linh, Phó Trưởng Phòng quản lý hộ tịch, Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp giải đáp các vướng mắc của Sở Tư pháp

Về việc thực hiện Nghị định số 63/2024/NĐ-CP, Sở Tư pháp có công văn lấy ý kiến Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Sở Y tế, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh nội dung dự thảo công bố danh mục 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng”.

Trên cơ sở ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan, Sở Tư pháp hoàn chỉnh dự thảo và đã có công văn đề nghị Văn phòng UBND tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố Quyết định Danh mục thủ tục hành chính thực hiện liên thông điện tử về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất áp dụng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế là 1 trong 35 tỉnh chưa thực hiện xong các công tác tích hợp devtest, chưa gửi code rà quét ANAT nên chưa kết nối, thực hiện được theo yêu cầu của Nghị định số 63/2024/NĐ-CP. Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang khẩn trương phối hợp với Cục C06 - Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và các giải pháp an ninh, an toàn thông tin để triển khai 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông theo đúng tiến độ.

Đoàn khảo sát và Sở Tư pháp chụp ảnh lưu niệm

Đoàn khảo sát và Sở Tư pháp chụp ảnh lưu niệm

Tại hội nghị, đoàn khảo sát đã lắng nghe phản ánh của Sở Tư pháp về những khó khăn, vướng mắc cụ thể trong quá trình đăng ký hộ tịch, trong quá trình thực hiện việc số hóa, về khai thác, sử dụng phần mềm hộ tịch… Theo Sở Tư pháp hiện nay, hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch hoạt động không ổn định định nên chưa đáp ứng được nhu cầu, tiến độ công việc trong đăng ký, quản lý và thống kê hộ tịch; hệ thống cấp mã định danh vẫn còn chậm ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công việc; chức năng thống kê số liệu trên hệ thống phần mềm hộ tịch do thường xuyên không chính xác so với số liệu thực tế đã giải quyết cho người dân. Ngoài ra, Luật Căn cước năm 2023 đã có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Hiện nay, một số công dân đã được cấp Căn cước theo Luật Căn cước mới. Tuy nhiên, trên phần mềm hộ tịch vẫn chưa được điều chỉnh mục giấy tờ tùy thân này...

Qua thảo luận, bà Lò Thùy Linh, Phó Trưởng Phòng quản lý hộ tịch, Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp đã giải đáp vướng mắc cho Sở Tư pháp và gợi ý một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Đối với các đề xuất xuất phát từ thực tiễn nhưng chưa có quy định áp dụng, đoàn khảo sát sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp để xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Sáng cùng ngày đoàn khảo sát của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp cũng đã khảo sát tình hình đăng ký hộ tịch tại huyện Phú Vang và A Lưới.

Thùy Nhung

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tiep-tuc-hoan-thien-dieu-chinh-cac-bat-cap-tren-he-thong-dang-ky-va-quan-ly-ho-tich-post521765.html