Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW
Ngày 21/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú đã chủ trì buổi làm việc với các đơn vị về dự thảo Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Toàn cảnh buổi làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cho biết, thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 17/5/2025 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý báo cáo tại buổi làm việc.
Đến thời điểm hiện tại, quá trình xin ý kiến đã được thực hiện, các đơn vị liên quan đã gần như hoàn thành 100% việc đóng góp ý kiến. Nội dung các ý kiến đóng góp tập trung chủ yếu vào phần phụ lục “Danh mục nhiệm vụ”, phản ánh sự quan tâm của các đơn vị đến việc phân công, xác định trách nhiệm, cũng như khả năng triển khai thực tế các nhiệm vụ.
Tại buổi làm việc, đa số các đại biểu đều nhất trí đối với nội dung của dự thảo Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW. Đồng thời trao đổi, thảo luận một số nội dung như: cần thống nhất với định hướng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật; đề xuất cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các đơn vị có liên quan trong việc triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm hiệu quả và tránh chồng chéo; đa dạng hóa các hình thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội về mục tiêu, nội dung và ý nghĩa của Nghị quyết số 66-NQ/TW; cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm bảo đảm tính khả thi, thực tiễn và toàn diện…

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Vụ trưởng Vụ Công tác xây dựng VBQPPL phát biểu tại buổi làm việc.

Bà Vũ Hồng Thúy, Phó Tổng Biên tập Báo PLVN phát biểu tại buổi làm việc.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú kết luận đề nghị nội dung của Chương trình hành động phải hoàn thiện và bám sát chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Về tên gọi, Thứ trưởng đề xuất 2 phương án, một là chỉ nêu theo Nghị quyết 140/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật (trong Nghị quyết 140 đã bao hàm Nghị quyết 66); hai là nếu Viện vẫn muốn giữ tên theo Nghị quyết 66 thì phải đồng thời đề cập đến Nghị quyết 66, Nghị quyết 197/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và Nghị quyết 140 của Chính phủ. Dù chọn phương án nào, tên của Chương trình cũng cần thể hiện đầy đủ cả ba Nghị quyết này.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú phát biểu kết luận buổi làm việc.
Về nội dung kế hoạch, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị căn cứ nội dung cuộc họp để chỉnh sửa phụ lục, gửi trực tiếp cho Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, trong đó mỗi nhiệm vụ cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được giao, thiết kế phù hợp trong khuôn khổ Nghị quyết 197. Với các nội dung liên quan đến tổ chức thi hành pháp luật, cần gom nhóm, sử dụng đúng thuật ngữ như trong Nghị quyết 197.
Các phần trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ giữa các đơn vị thuộc Bộ phải được rà soát kỹ để đảm bảo thống nhất. Thứ trưởng lưu ý, nội dung về Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật trong Nghị quyết 197 đã giao Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế chủ trì; trong triển khai Nghị quyết 140, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính. Thứ trưởng giao Trường Đại học Luật Hà Nội phụ trách công tác đào tạo theo đúng quy định tại Nghị quyết 197; riêng phần bồi dưỡng, giao Học viện Tư pháp thực hiện. Trường hợp Vụ Tổ chức cán bộ có khả năng đảm nhiệm cả hai nội dung, đơn vị chủ trì soạn thảo có thể cân nhắc giao toàn bộ cho Vụ này phụ trách.