Tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực đối ngoại

Lê Anh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại. Thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đường lối đối ngoại, nhất là chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật trong lĩnh vực đối ngoại, thời gian qua, nhiều đạo luật quan trọng đã được thông qua.

Trong đó có: Luật Điều ước quốc tế năm 2016 (thay thế Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; và Luật Thỏa thuận quốc tế (thay thế Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn

Nhiều đạo luật liên quan đến đối ngoại được thông qua

Sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành và sau khi Việt Nam ký kết tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhiều luật, bộ luật quan trọng điều chỉnh các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, lao động, hình sự, tương trợ tư pháp, chống khủng bố, chống tội phạm, chống rửa tiền, phòng chống tham nhũng… Trong đó, có những quy định liên quan đến lĩnh vực đối ngoại, có yếu tố nước ngoài hoặc thực hiện cam kết quốc tế cũng đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp và các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Kế thừa, phát huy những kết quả đạt được trong công tác lập pháp, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luậttrong lĩnh vực đối ngoại nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn phát triển mới và hội nhập quốc tế sâu rộng theo Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định 2114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Từ khi triển khai đến nay đã thông qua 30 luật, trong đó đã thảo luận, cho ý kiến, xem xét thông qua nhiều đạo luật quan trọng trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến đối ngoại và hội nhập quốc tế như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Phòng, chống rửa tiền… Đồng thời, tiếp tục chú trọng việc nội luật hóa để bảo đảm hệ thống pháp luật quốc gia tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về cơ bản, đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đối ngoại được ban hành đã góp phần quan trọng phục vụ yêu cầu của công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế trên hầu hết các lĩnh vực.

Tuy vậy, qua công tác giám sát, khảo sát, áp dụng pháp luật, bên cạnh những kết quả đạt được, pháp luật phục vụ cho công tác đối ngoại liên quan đến lĩnh vực điều ước quốc tế, về cơ quan đại diện, về hàm, cấp ngoại giao và về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam hiện đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập không chỉ ở văn bản luật mà cả ở một số văn bản hướng dẫn thi hành…

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động đối ngoại

Để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, Ủy ban Đối ngoại mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp của Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành hữu quan trong triển khai một số nhiệm vụ cụ thể.

Một là, tiếp tục tăng cường xây dựng thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật trong lĩnh vực đối ngoại, trước mắt tích cực chuẩn bị trình Quốc hội dự án Luật Hàm, cấp ngoại giao, trong đó gắn hàm, cấp ngoại giao với việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và chế độ, chính sách cho cán bộ làm công tác đối ngoại. Trên cơ sở kết quả tổng kết, rà soát việc thực thi Pháp lệnh Hàm, cấp ngoại giao, tranh thủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cán bộ trong toàn ngành, sớm hoàn tất việc đề xuất các chính sách phù hợp, khả thi, xem xét bổ sung đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2024 và thảo luận, thông qua trong năm 2024, 2025; cùng với đó có báo cáo kết quả rà soát gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1.3.2024.

Hai là, trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993, tiếp tục nghiên cứu, rà soát báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đẩy nhanh việc xây dựng các chính sách phù hợp đặt trong tổng thể các văn bản pháp luật liên quan hiện hành; nếu chuẩn bị được sớm có thể kiến nghị trình Quốc hội sớm hơn so với tiến độ trong Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ba là, từ thực tiễn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài năm 2018, Luật Điều ước quốc tế 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành một số điều khoản trong các đạo luật này, cần nghiên cứu để sớm tiến hành sơ kết việc thi hành; từ đó có cơ sở thực tiễn cho việc kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các quy định không còn phù hợp. Qua giám sát việc thực thi cho thấy, các văn bản pháp luật này đã bộc lộ một số bất cập liên quan đến triển khai dự án đầu tư ở nước ngoài, tiêu chuẩn, định mức, chế độ chính sách của thành viên cơ quan đại diện, chức vụ ngoại giao, lãnh sự, việc áp dụng một số điều khoản liên quan đến ký kết, cho ý kiến, áp dụng điều ước quốc tế...

Bốn là,đẩy mạnh việc rà soát, ưu tiên xây dựng các văn bản pháp luật và các thiết chế bảo vệ nền kinh tế độc lập tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế. Chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương (nhất là các diễn đàn đa phương về pháp luật) và khu vực (nhất là cộng đồng ASEAN) trên cơ sở các chủ trương về hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước. Chú trọng đẩy nhanh việc hoàn thiện các quy định pháp luật trong giải quyết các tranh chấp thương mại và đầu tư quốc tế; tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.

Năm là, chủ động rà soát, nghiên cứu để có giải pháp pháp lý bảo đảm sự tương thích của hệ thống pháp luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam có kế hoạch tham gia trong thời gian tới như Công ước số 87 của Tổ chức Lao động quốc tế về Quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức... Định kỳ sơ kết, tổng kết việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, qua đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho công tác đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mới cũng như có giải pháp để thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/tiep-tuc-hoan-thien-phap-luat-trong-linh-vuc-doi-ngoai-i355102/