TIẾP TỤC HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC XÃ HỘI ĐẦU TƯ CHO VĂN HÓA

Đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận định, ngân sách đầu tư cho văn hóa, thể thao hằng năm chưa đáp ứng yêu cầu, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa.

Ngân sách đầu tư cho văn hóa, thể thao hằng năm chưa đáp ứng yêu cầu

Ngân sách đầu tư cho văn hóa, thể thao hằng năm chưa đáp ứng yêu cầu

Chuyển biến rõ rệt trong hoàn thiện thể chế về văn hóa

Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội đề ra nhiệm vụ: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội”, “Xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để thực sự là đột phá phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế”.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về văn hóa đã có sự chuyển biến rõ rệt. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch với 170 văn bản (5 luật, 33 nghị định, 10 chỉ thị, 14 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 108 thông tư). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tham mưu, phối hợp xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (2 dự án luật, phối hợp trình 1 dự án luật; xây dựng 9 nghị định của Chính phủ; 10 Quyết định, 2 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ); ban hành theo thẩm quyền 40 thông tư.

Đặc biệt, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong toàn ngành văn hóa và ở các địa phương. Thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa được đề xuất; các chương trình, kế hoạch, đề án quan trọng phát triển văn hóa giai đoạn 2021 - 2023 và giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030 được xây dựng, triển khai thực hiện, như Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2021 - 2025, Chỉ thị về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026...

Ngân sách đầu tư cho văn hóa, thể thao hằng năm chưa đáp ứng yêu cầu

Tuy vậy, Báo cáo tham gia thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực văn hóa chưa đầy đủ; một số lĩnh vực văn hóa chưa có luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh (văn học, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, triển lãm...).

Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ còn chậm. Chỉ tính từ ngày 1/1/2023 – 5/9/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 115 nhiệm vụ, nhưng mới hoàn thành 65 nhiệm vụ, đang thực hiện 50 nhiệm vụ. Lũy kế từ năm 2018 đến nay, trên Hệ thống Quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có 8 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.

Đặc biệt, ngân sách đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, thể thao hằng năm chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành văn hóa và nhu cầu phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa của người dân; việc bố trí, sắp xếp công việc đối với cán bộ làm công tác văn hóa tại cơ sở chưa hợp lý; một cán bộ văn hóa xã phải phụ trách tới 17 lĩnh vực. Đáng chú ý, có xu hướng đội ngũ lao động ngành văn hóa dịch chuyển từ môi trường công sang môi trường tư nhân...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng chất vấn về ngân sách nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, giáo dục còn thấp tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng nêu lên vấn đề này. Cụ thể, nhiều năm qua ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa còn thấp, việc phân bổ còn dàn trải, cào bằng thực hiện cơ chế đặt hàng còn hạn chế và đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của những hạn chế và chỉ tiêu nhiệm vụ cơ cấu lại, đổi mới việc phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo, văn hóa nói chung, cho giáo dục đại học, cho thiết chế văn hóa nói riêng trong thời gian tới như thế nào?

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa

Giai đoạn 2024 - 2025, tình hình thế giới, khu vực được dự báo tiếp tục biến động phức tạp, đặt ra những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 16/2021/QH15 nói chung, các nhiệm vụ, giải pháp về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin - truyền thông, tín ngưỡng - tôn giáo, giáo dục - đào tạo, thanh niên và trẻ em nói riêng.

Trước tình hình đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục kiến nghị tập trung hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực văn hóa. Cụ thể, nghiên cứu xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ; tích cực triển khai thực hiện Luật Điện ảnh 2022, Luật Sở hữu trí tuệ 2022; hoàn thiện hồ sơ chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, trình Quốc hội cho ý kiến theo quy định, chú trọng chất lượng và bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn; phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành liên quan trong sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định hướng dẫn chi tiết Luật Quản lý và sử dụng tài sản công.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục kiến nghị tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục kiến nghị tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa

Đồng thời, tiếp tục triển khai Nghị quyết 572/NQ-UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 14 trong lĩnh vực văn hóa, du lịch và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện ngay nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa đã được kết luận tại Hội thảo Văn hóa 2022.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số; có biện pháp bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa.

Bên cạnh đó, rà soát toàn diện các đề án, chương trình, chiến lược về văn hóa, đặc biệt là các nội dung về văn hóa trong 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các dự án thành phần về văn hóa, thể thao và du lịch thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam.../.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81837