Tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nội dung có tính bao quát, liên quan đến cả vấn đề lý luận và thực tiễn. Gần 50 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp vào Hội thảo khoa học '50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn', sẽ góp phần vào việc hoàn thiện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cần thay đổi tư duy, phương thức, cách làm

Hội thảo khoa học do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức, ngày 22/7, tại Hoàng thành Thăng Long. Với tinh thần cởi mở, tâm huyết, trách nhiệm cao, các đại biểu tham dự đã phát biểu tập trung vào các nội dung trọng tâm: Những thành tựu, hạn chế và những nguyên nhân của thành tựu, hạn chế trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc qua 50 năm thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; đánh giá thực trạng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc 50 năm qua; những vấn đề đặt ra hiện nay và định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian tới...

Các đồng chí lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy Hà Nội chủ trì Hội thảo khoa học.

Các đồng chí lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy Hà Nội chủ trì Hội thảo khoa học.

Đáng chú ý, trong tham luận về “Xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam trong 50 năm qua (1975-2025)”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lương Đình Hải (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nêu rõ, nhiều năm qua, chúng ta tập trung và khuyến cáo, cổ vũ, ngợi ca những đặc tính tốt đẹp, những phẩm chất, giá trị của con người và xã hội Việt Nam mà thiếu đi sự chi tiết hóa, cụ thể hóa các phẩm chất, giá trị chung đó thành những chuẩn mực chi tiết, cụ thể, sát hợp với từng dạng chủ thể, từng ngành nghề, địa bàn, cơ quan, đơn vị. Do vậy, tính chất trừu tượng, lý luận, chung, bao quát chỉ lắng đọng ở một vài tầng lớp của xã hội, không thấm sâu và ảnh hưởng trực tiếp đến đông đảo dân cư, cộng đồng.

Để khắc phục tình trạng này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lương Đình Hải cho rằng cần thay đổi tư duy, phương thức, cách làm, để các giá trị, phẩm chất, đặc tính có thể được trao truyền rộng rãi, trở thành chuẩn mực thực sự tác động trong cuộc sống thường ngày.

Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học tập trung chia sẻ các nội dung về thành tựu, hạn chế, định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian tới.

Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn (Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương) phát biểu tại Hội thảo khoa học.

Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn (Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương) phát biểu tại Hội thảo khoa học.

Đáng chú ý có các tham luận về: “Quan điểm của Đảng về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong 50 năm qua (1975-2025)” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc (Phó Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); “Xây dựng nền văn học nghệ thuật Việt Nam trong 50 năm qua (1975-2025)” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ (Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương); “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trong 50 năm qua (1975-2025)” của Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý (Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian)...

Theo báo cáo tại Hội thảo, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; xác định một trong những định hướng lớn là phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học.

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh (Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương), cho đến nay, văn hóa vẫn chưa thực sự được các cấp, ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, chưa đạt hiệu quả cao.

Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong (Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội) nhấn mạnh, Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; trong đó trung tâm văn hóa là nét đặc trưng và tiêu biểu.

Với chiều dài lịch sử, bề dày văn hiến nghìn năm, Hà Nội luôn luôn nhận thức sâu sắc vấn đề văn hóa vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài; văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội; quan điểm đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa…

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong (Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội) phát biểu tại Hội thảo khoa học.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong (Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội) phát biểu tại Hội thảo khoa học.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, điểm nhấn trong triển khai xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô đó là liên tiếp trong nhiều nhiệm kỳ Thành ủy Hà Nội đều ban hành Chương trình công tác lớn, riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.

Đáng chú ý, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Mới đây nhất, Thành ủy Hà Nội tiếp tục tạo bước đột phá trong xây dựng văn hóa, con người Thủ đô bằng việc ban hành Chỉ thị số 30 ngày 19/2/2024 về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - đây được coi giải pháp nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô trong thời kỳ mới.

Văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội.

Văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội.

Chia sẻ suy nghĩ của mình, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức (Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nêu rõ, 50 năm qua, điều ông nhận thấy rõ nhất chính là sự chuyển biến vượt bậc về nhận thức của lãnh đạo và nhân dân Thủ đô về văn hóa.

“Sự thay đổi nhận thức diễn ra ở các cấp, trong đội ngũ lãnh đạo và trong lòng dân. Thủ đô Hà Nội thực sự đang đi đầu trong phát triển văn hóa. Nhiều Chỉ thị, kế hoạch, hội thảo về xây dựng văn hóa, con người Hà Nội liên tục được triển khai. Đây là một bước tiến vượt bậc trong xây dựng và phát triển Thủ đô trong 50 năm qua”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức bày tỏ.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức phát biểu tại Hội thảo khoa học.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức phát biểu tại Hội thảo khoa học.

Đề cập đến chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) chia sẻ, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần có giải pháp về chính sách để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công nghiệp văn hóa như một lĩnh vực quan trọng cho phát triển đất nước. Đồng thời, đảm bảo sự phối hợp ở mọi lĩnh vực: Văn hóa, kinh tế, xã hội, giáo dục cũng như với các chương trình phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội quan trọng khác, nhằm định vị và xác lập các ngành công nghiệp văn hóa như một chương trình nghị sự trọng điểm trong phát triển của tất cả bộ, ngành với tầm nhìn đến năm 2030.

Hội thảo khoa học “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Hội thảo khoa học “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Kết luận hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn (Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương) nhấn mạnh, hội thảo đã tập trung vào 5 nhóm vấn đề gồm: Phân tích, đánh giá bối cảnh 50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thay đổi lớn về nhận thức đối với văn hóa; đánh giá toàn diện, đầy đủ về thành tựu, hạn chế của công cuộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển văn hóa của 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; dự báo bối cảnh, yêu cầu đặt ra đối với văn hóa.

Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn nêu rõ: “Trên cơ sở những nhận thức đó, chúng ta cần tập trung một cách sâu sắc hơn về phát triển văn hóa. Phát triển văn hóa là phát triển đời sống tinh thần, đặc biệt là phát triển con người”.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tiep-tuc-hoan-thien-viec-xay-dung-nen-van-hoa-viet-nam-tien-tien-dam-da-ban-sac-dan-toc-174094.html