Tiếp tục khai thác và sử dụng nguồn kiều hối hiệu quả
Kiều hối được đánh giá là nguồn lực bổ sung, quý giá đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Kiều hối gửi về qua hệ thống các ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế, tài chính được phép nhận và chi trả ngoại tệ đã mang lại hiệu quả rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội cũng như góp phần nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ, ngoại hối của Ngân hàng Trung ương; dự trữ ngoại tệ và cán cân thương mại quốc tế…
Trong đó, xét dưới góc độ là nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội, kiều hối có đóng góp quan trọng và mang lại hiệu quả trong hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế:
Thứ nhất, nguồn kiều hối chuyển về hàng năm luôn trong xu hướng tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, lượng kiều hối hối chuyển về qua hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh tế trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ năm 2021 đạt 7,1 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm khoảng 12% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố.
Thứ hai, ở góc độ chính sách và hiệu quả chính sách, đây là nguồn ngoại hối từ kiều bào, người lao động ở nước ngoài gửi về, vì vậy không chịu áp lực về vay trả nợ; chi phí nợ, cũng như các điều kiên kèm theo như các nguồn vốn vay; nguồn vốn tài trợ…theo đó, nguồn vốn này góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ cho đất nước, bổ sung nguồn dự trự ngoại tệ quốc gia…, cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong điều hành chính sách tiền tệ và thị trường ngoại hối.
Thứ ba, kiều hối là nguồn lực bổ sung cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và của Thành phố nói riêng, nhờ bản chất và hiệu quả của nguồn ngoại tệ này: Thông qua việc gửi biếu, tặng ngoại tệ về để người thân và gia đình chi tiêu cho sinh hoạt, cải thiện đời sống; kinh doanh hoặc trả nợ vay; hoặc kiều bào gửi về để đầu tư kinh doanh…
Ở góc độ kinh tế, việc sử dụng kiều hối với mục đích nào cũng đều mang lại hiệu quả, đều kích thích tổng cầu, qua đó kích thích sản xuất, tiêu dùng tăng trưởng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, việc phân biệt nguồn kiều hồi sử dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh hay đầu tư bất đầu sản, chứng khoản không có nhiều ý nghĩa. Việc phân biệt này chủ yếu cho nguồn vốn vay, nguồn vốn tín dụng để kiểm soát rủi ro và quản trị hiệu quả nguồn vốn tín dụng.
Do đó, cần tiếp tục thực hiện tốt cơ chế chính sách và chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác kiều bào ở nước ngoài, khơi dậy tinh thần yêu nước và đoàn kết dân tộc, niềm tự hào dân tộc cũng như tinh thần khát vọng phát triển đất nước của mỗi kiều bào, mỗi người Việt từ mọi quốc gia trên thế giới để tiếp tục khai thác hiệu quả nguồn lực này.
Cùng với việc tiếp tục thực hiện tốt hoạt động của hệ thống mạng lưới nhận và chi trả ngoại tệ, khuyến khích tăng trưởng nguồn kiều hối, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.