Tiếp tục kiểm soát tốt thị trường, nguồn cung sau tết
Ngày 16-2, từ Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị trực tuyến với sở công thương tại 63 tỉnh thành để đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, dù kinh tế còn khó khăn nhưng tết năm nay, thành phố đã chuẩn bị lượng hàng hóa có tổng trị giá tới 22.000 tỷ đồng theo đúng kế hoạch, trong đó 8.500 tỷ đồng dành cho bình ổn thị trường. Doanh thu, giá cả không giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương), các siêu thị, trung tâm thương mại năm nay có lượng hàng hóa rất dồi dào. Nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích năm nay mở cửa phục vụ người dân tới cuối ngày 30 tết và sớm mở cửa trở lại sau tết, thậm chí nhiều nơi hoạt động xuyên tết… đã góp phần hạn chế tâm lý mua trữ hàng của người dân như các năm trước.
Về kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường báo cáo, đến ngày 16-2 vẫn chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm các hành vi đầu cơ, găm hàng, đóng cửa, ngừng hoạt động mà không có lý do chính đáng. Liên quan đảm bảo nguồn cung xăng dầu, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, cho biết, Petrolimex đã tăng nhập khẩu 10% trong tháng 1 so với bình quân hạn ngạch tối thiểu được giao và chỉ trong 10 ngày đầu tháng 2-2024, tăng thêm nhập khẩu 80.000m3 để dự phòng nhu cầu tăng cao sau tết, sẵn sàng khi thị trường có biến động mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hội nghị này được tổ chức ngay khi Thủ tướng vừa ban hành chỉ thị đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, cung ứng các mặt hàng thiết yếu, nhất là điện, xăng dầu. Đề nghị các địa phương chú trọng cung ứng xăng dầu, điện cho sản xuất và đời sống với phương châm trong bất kỳ tình huống nào cũng không để xảy ra đứt gãy nguồn cung.
Đồng thời, đề nghị các bộ ngành tập trung hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp bám sát tín hiệu thị trường, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại FTA, triển khai hiệu quả Đề án xuất khẩu chính ngạch mà Bộ Công thương đã xây dựng và Thủ tướng đã thông qua. Tổng cục Quản lý thị trường cần tập trung đấu tranh ngăn chặn tình trạng hàng gian, hàng giả… không chỉ ở kênh truyền thống mà còn trên kênh thương mại điện tử.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tiep-tuc-kiem-soat-tot-thi-truong-nguon-cung-sau-tet-post727050.html