Tiếp tục kiểm toán chuyên đề việc đầu tư mua sắm tại các Bộ đã sử dụng nguồn lực lớn ngân sách Nhà nước

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 12/9, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội đã trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về công tác năm 2023 và dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2024.

 Quang cảnh phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/9 (ảnh: VPQH cung cấp).

Quang cảnh phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/9 (ảnh: VPQH cung cấp).

Ghi nhận nhiều nỗ lực, cố gắng

Theo báo cáo của Ủy ban TCNS, trong 8 tháng đầu năm 2023, KTNN đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện công tác năm 2023 và đạt được nhiều kết quả tích cực. Thường trực Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với báo cáo của KTNN về các kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm.

Đến 31/8/2023, KTNN đã xét duyệt 127 nhiệm vụ KHKT, triển khai 114/166 đoàn kiểm toán theo kế hoạch; kết thúc kiểm toán 93 cuộc, xét duyệt 94 dự thảo BCKT; đã phát hành BCKT của 61 cuộc kiểm toán. So với cùng kỳ các năm trước cho thấy, việc triển khai KHKT 8 tháng đầu năm 2023 chậm và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Đề nghị KTNN làm rõ lý do việc triển khai KHKT chậm hơn so với cùng kỳ các năm trước.

 Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ trình bày báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2023 và dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2024 (ảnh: VPQH cung cấp).

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ trình bày báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2023 và dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2024 (ảnh: VPQH cung cấp).

So với cùng kỳ năm 2022, số kiến nghị sửa đổi, bổ sung ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tương đương cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số kiến nghị xử lý 8 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng 20,6% cùng kỳ năm 2021 và 48,7% cùng kỳ năm 2022. Đề nghị KTNN đánh giá làm rõ nguyên nhân kết quả khá thấp này.

Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực. Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, KTNN đã tích cực đôn đốc, kiểm tra, rà soát việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán; phối hợp với Ủy ban TCNS tổ chức phiên giải trình việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN niên độ ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 trở về trước.

Tổng hợp sơ bộ kết quả 8 tháng đầu năm thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính đạt 67,4%, cao hơn cùng kỳ năm trước (là 56,3%); sửa đổi, bổ sung ban hành mới 19/270 văn bản QPPL; có 33/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.

Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị KTNN tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kiến nghị kiểm toán để kịp thời thu hồi, xử lý các vi phạm được phát hiện qua kết quả kiểm toán; làm rõ các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân các bộ, ngành, địa phương chậm hoặc không có khả năng thực hiện các kiến nghị của KTNN để sớm có giải pháp khắc phục.

Các tồn tại, hạn chế và mục tiêu kiểm toán năm 2024

Thường trực Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với 5 nhóm tồn tại, hạn chế KTNN đã nêu. Tuy nhiên, các tồn tại, hạn chế này còn chung chung, chưa đánh giá được toàn diện các tồn tại, hạn chế trong công tác KTNN năm 2023.

Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị KTNN bổ sung đánh giá sâu sắc hơn các tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác, kế hoạch kiểm toán năm 2023 của KTNN.

Cùng với đó, khẩn trương xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong các tháng cuối năm và triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2024.

 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Về mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2024, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí các mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2024 của KTNN. Trong đó lưu ý:

Thứ nhất, đối với các cuộc kiểm toán chuyên đề phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 cần bám sát các Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ hai, tiếp tục tổ chức kiểm toán chuyên đề việc đầu tư mua sắm, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng phần mềm CNTT tại các Bộ đã sử dụng nguồn lực lớn NSNN cho lĩnh vực này, như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2024, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị KTNN cần bám sát nguyên tắc, định hướng, mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2024 đã đề ra để dự kiến KHKT năm 2024 phù hợp. Việc xây dựng kế hoạch kiểm toán cần xác định trọng tâm, trọng điểm. Tập trung ưu tiên nguồn lực, nhân lực cho:

Thứ nhất, các cuộc kiểm toán phục vụ cho quyết toán NSNN năm 2023 để phấn đấu đạt hoặc vượt mục tiêu theo lộ trình đã đề ra tại Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Thứ hai, các cuộc kiểm toán theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ ba, các chuyên đề quan trọng liên quan đến những vấn đề được dư luận xã hội, Quốc hội và và cử tri quan tâm như đã nêu tại định hướng, mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2024.

Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu cắt giảm số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình, dự án, lĩnh vực doanh nghiệp, tập trung lựa chọn các chuyên đề, lĩnh vực thường xuyên có nhiều vi phạm hoặc có nguy cơ dễ phát sinh sai phạm để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, thu nộp về NSNN, không gây thất thoát NSNN, tài sản nhà nước.

Đối với các cuộc kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị tiếp tục rà soát cắt giảm do trùng lặp với cuộc kiểm toán chuyên đề phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã thực hiện trong KHKT năm 2023. Trường hợp cần thiết phải thực hiện, đề nghị lồng ghép vào nội dung trọng tâm, trọng điểm trong các cuộc kiểm toán NSNN và quyết toán NSNN tại các Bộ, ngành, ngân sách địa phương…

Vũ Cảnh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/tiep-tuc-kiem-toan-chuyen-de-viec-dau-tu-mua-sam-tai-cac-bo-da-su-dung-nguon-luc-lon-ngan-sach-nha-nuoc-145557.html