TIẾP TỤC LÀM RÕ ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng này với lực lượng tại chỗ do chính quyền địa phương thành lập, được ngân sách nhà nước bảo đảm, hoạt động đúng cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành cơ quan cấp xã làm tham mưu và chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp.

Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ tư.

Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ tư.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhiều đại biểu khẳng định, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết. Bởi trong bối cảnh hiện nay, trước những ảnh hưởng do hệ quả của sự phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu về công tác đảm bảo an ninh, trật tự ngày càng tăng lên, đặc biệt là ở cấp cơ sở bởi địa bàn cơ sở có an ninh, trật tự tốt, mới có thể tạo nên một địa phương phát triển ổn định, an toàn.

Mặt khác, hiện nay lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự chủ yếu ở cơ sở là công an chính quy cấp xã, tuy nhiên khối lượng công việc đang được giao và sắp tới sẽ được giao đối với công an cấp xã là khá lớn. So với trước đây nhiều nhiệm vụ mới đã được bổ sung như tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm; xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước; thực hiện các thủ tục đăng ký cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy; thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy. Việc xây dựng một lực lượng được bồi dưỡng, huấn luyện bài bản, nhằm hỗ trợ công an cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ được giao, sẽ góp phần san sẻ áp lực với lực lượng này, nâng cao chất lượng công tác quán xuyến địa bàn, sâu sát nắm tình hình và đảm bảo an ninh, trật tự cơ sở của công an cấp xã.

Làm rõ cơ chế phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với các lực lượng khác.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, theo quy định của dự thảo luật và theo báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, sau khi luật ban hành, các lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang sử dụng hiện nay sẽ được kiện toàn, thống nhất thành một lực lượng chung, riêng lực lượng dân phòng vẫn hoạt động theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy. Nhưng theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Phòng cháy, chữa cháy và khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, thì chức năng, nhiệm vụ của lực lượng dân phòng và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có sự trùng lắp, đều có nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố, khu dân cư.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Khoản 5 Điều 3 Luật Phòng cháy, chữa cháy quy định "đội dân phòng là tổ chức gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy, giữ gìn an ninh, trật tự ở nơi cư trú". Khoản 2 Điều 2 dự thảo luật quy định "lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". “Có chăng đội dân phòng có nhiệm vụ cụ thể hơn, đó là tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, tuy nhiên nhiệm vụ này về bản chất vẫn là nhiệm vụ đảm bảo an toàn tại nơi sinh sống, đồng thời cũng là cùng thẩm quyền quản lý, hướng dẫn của ngành công an”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.

Mặt khác, tại Điều 9 dự thảo luật cũng quy định về nhiệm vụ hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Như vậy, với các nhiệm vụ của lực lượng mới mà dự thảo luật quy định thì đã bao gồm cả nhiệm vụ của đội dân phòng. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét thống nhất 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành một lực lượng chung để tập trung nhân lực, tránh dàn trải, gây lãng phí, cồng kềnh, chồng chéo; đồng thời điều này cũng thuận lợi hơn trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng.

Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, tại Điều 10 về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định: hỗ trợ cùng công an cấp xã nắm thông tin nhân khẩu, kiểm tra nhân khẩu, giấy tờ tùy thân… Quy định như vậy dễ bị lạm dụng và cũng không rõ trách nhiệm nếu sai phạm xảy ra, khi có sai phạm xảy ra, trách nhiệm thuộc về công an xã hay lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự phải chịu trách nhiệm?. Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa đổi làm rõ hơn trách nhiệm của việc tham gia hỗ trợ này và khi đã tham gia hỗ trợ, trách nhiệm chính trong giải quyết công việc của lực lượng công an xã.

Đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đại biểu Trần Văn Lâm cũng đề nghị rà soát lại kỹ hơn về cơ chế phối hợp, điều hành, quản lý, sử dụng lực lượng này ở cơ sở để đảm bảo song trùng quản lý một cách hiệu quả. Qua nghiên cứu các nội dung trong dự thảo, đại biểu nhận thấy các chức danh này hiện nay gần như chịu sự quản lý, điều hành tuyệt đối của công an xã mà chưa thấy cơ chế, vai trò quản lý của chính quyền cấp xã, cấp thôn, trong khi đây lại là lực lượng do chính quyền xã, thôn lập ra, chi trả chế độ, nhưng vai trò trong quản lý, điều hành không rõ. Nếu suy ra ở cấp cao hơn hiện nay, lực lượng công an, quân sự mặc dù là ngành dọc nhưng có sự lãnh đạo của của cấp ủy ở địa phương thông qua Đảng ủy công an, Đảng ủy quân sự nhưng lực lượng này hiện nay không thấy có cơ chế nào khác ngoài việc chi tiền, phê duyệt danh sách công nhận lực lượng này khi công an xã đề xuất, Chủ tịch UBND xã phê duyệt.

Góp ý quy định tại Điều 16 về công nhận chức danh và thành lập tổ bảo vệ an ninh trật tự, đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho biết, tại điểm a khoản 3 quy định về nhiệm vụ của tổ trưởng tổ bảo vệ an ninh, trật tự, theo đó tổ trưởng tổ phải chịu trách nhiệm trước công an xã về các hoạt động của tổ. Đại biểu đồng nhất quan điểm không thành lập thêm tổ chức và xác định đây là tổ chức ở cơ sở, nhưng nếu quy định tổ trưởng phải chịu trách nhiệm trong khi đó dự thảo luật không có một điều khoản nào về giao nhiệm vụ.

Đại biểu đề nghị nên có một quy định trong giới hạn nhất định để đồng chí tổ trưởng tổ bảo vệ an ninh, trật tự được điều hành, bởi thực tế rất khó nhất là ở vùng sâu, vùng xa, các đồng chí đều là kiêm nhiệm, bán chuyên trách. Dự thảo luật giao Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định mức hỗ trợ nhưng đối với các tỉnh khó khăn về ngân sách và chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách trung ương sẽ rất khó bố trí chế độ cho lực lượng này, vì vậy đề nghị trong phạm vi nhất định giao cho đồng chí tổ trưởng có thẩm quyền điều hành trong tổ.

Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng khẳng định, mục tiêu xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại 3 lực lượng sẵn có, trong đó có lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách thành một tổ chức với chức năng, nhiệm vụ tập trung, làm nòng cốt để hỗ trợ công an chính quy, bảo vệ trật tự ở cơ sở. Ban soạn thảo thiết kế một chương gồm có 6 Điều quy định về bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào phòng cháy, chữa cháy, hỗ trợ trong việc quản lý hành chính, trật tự, vận động giáo dục người có hành vi vi phạm pháp luật và công tác an toàn giao thông và được điều động khi có yêu cầu ở cơ sở. Đây là công việc hỗ trợ công an cấp xã để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trật tự, an ninh.

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn, bởi đây là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không thuộc bộ máy nhà nước, tính chất hoạt động không độc lập, mà chỉ tham gia hỗ trợ theo sự hướng dẫn, phân công chỉ đạo trực tiếp qua trưởng công an cấp xã, trong khi đó lực lượng công an xã chính quy bố trí rất mỏng.Thực tế có nhiều địa bàn rộng, từ xã xuống đến thôn mấy chục cây số, do vậy cần tính toán lực lượng này do cơ quan nào thành lập; tính toán cho phù hợp với từng địa bàn; đồng thời giao quyền chủ động này cho chính quyền ở cơ sở theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đại biểu cũng băn khoăn về sự phối hợp giữa dân quân tự vệ với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với lực lượng phòng cháy, chữa cháy và lực lượng dân phòng. Trong dự thảo luật chưa quy định cụ thể về sự phối hợp của 4 lực lượng này trong đảm bảo an ninh, bảo vệ an ninh tổ quốc. Hơn nữa, chế độ phụ cấp, bố trí nguồn lực đối với lực lượng này chưa cụ thể, chưa đảm bảo tính khả thi và tính thực tiễn, cần được nghiên cứu, rà soát đảm bảo đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Rà soát chế độ chính sách phù hợp đối với lực lượng tham gia bảo vệ, an ninh trật tự ở cơ sở.

Liên quan đến chế độ chi bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp bày tỏ băn khoăn và đề nghị sửa đổi, bổ sung rõ ràng, rành mạch để không có sự so bì ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi rong quá trình tổ chức thực hiện. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cân nhắc chế độ 6 nhiệm vụ hỗ trợ cho lực lượng công an xã. Theo đại biểu, lực lượng này giống như cánh tay nối dài của lực lượng công an xã, chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ và bảo vệ hiện trường là không khả thi, bởi lực lượng này được trang bị dụng cụ hỗ trợ nhưng lại chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ cho công an xã.

Về kinh phí, đại biểu Hoàng Quốc Khánh thống nhất phải thực hiện theo nguyên tắc phân cấp quản lý về ngân sách, nhưng mức đóng và mức chi như hiện nay như dự thảo luật này sẽ phát sinh thêm bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội cho công an viên mà trước đây chưa được hưởng. Đại biểu cho rằng khoản này rất lớn, đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu và quy định nhằm hỗ trợ thêm cho ngân sách các tỉnh phải nhận trợ cấp ngân sách trung ương.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh

Cũng quan tâm đến chế độ hỗ trợ thường xuyên hàng tháng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 23, đại biểu Nguyễn Minh Đức – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh cho biết, Điều 23 dự thảo luật giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nhiều chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như tiền hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế… Để đảm bảo nguồn lực địa phương đáp ứng chế độ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, việc giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số nội dung về chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng này là hợp lý. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nên giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh quy định dựa trên khung do Chính phủ quy định thống nhất để không có sự chênh lệch quá mức, tạo tâm lý không tốt đối với những người tham gia lực lượng này trong cả nước, cũng như tạo ra sự cân đối với mức hỗ trợ cho những người hoạt động không chuyên trách ở xóm, ở xã. Đại biểu cũng đề nghị cần có quy định chính sách hỗ trợ nguồn lực từ trung ương cho các địa phương còn khó khăn, chưa cân đối được nguồn lực khi luật có hiệu lực.

Giải trình một số nội dung đại biểu nêu, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, trên cơ sở tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến chỉ đạo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, dự thảo lần này đã được chỉnh lý theo quan điểm thống nhất và xuyên suốt là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ lực lượng công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng này được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng cơ sở, sự điều hành của chính quyền cấp xã, sự tham mưu và quản lý của công an xã. Lực lượng này được đảm bảo kinh phí và trang bị cơ sở vật chất do ngân sách nhà nước đảm bảo và các nguồn tài chính được huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Kết luận nội dung thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã yêu cầu tiếp tục làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với lực lượng tại chỗ do chính quyền địa phương thành lập, được ngân sách nhà nước bảo đảm, hoạt động đúng cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành cơ quan cấp xã làm tham mưu và chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp.

Tiếp tục rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ và nghiên cứu bổ sung các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng này cho rõ hơn, nhất là chức danh tổ trưởng, tổ phó, nhiệm vụ hỗ trợ là hỗ trợ gì, quyền hạn, trách nhiệm đến đâu để tránh việc lạm quyền và vi phạm pháp luật.

Một số đại biểu cho rằng 6 nhiệm vụ hỗ trợ hiện nay cũng còn nhiều và chưa rõ quyền hạn, trách nhiệm; cũng chưa rõ về các điều cấm. Cần quy định rõ hơn việc phối hợp với các lực lượng chuyên trách và lực lượng không chuyên trách hoạt động trên các địa bàn nơi cơ sở để tránh chồng chéo. Rà soát về tiêu chuẩn tuyển chọn phù hợp để hoàn thành được yêu cầu nhiệm vụ được giao trong điều kiện đặc thù cũng như điều kiện về địa lý của các vùng miền.

Về ngân sách, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ tiếp tục tính toán, tổ chức biên chế, đánh giá tổng dự toán ngân sách bảo đảm hàng năm để báo cáo cụ thể với Quốc hội và có giải trình hợp lý. Rà soát về chế độ chính sách đối với lực lượng này để bảo đảm tính tương thích, tạo sự công bằng và không bị so bì với các lực lượng khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận của đại biểu để gửi các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tiếp thu và trên cơ sở tham gia của các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng và đề nghị với Chính phủ có văn bản; đồng thời cần thể hiện rõ quan điểm của mình với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79369