Tiếp tục lan tỏa chương trình bình ổn thị trường
TP HCM không chỉ thực hiện bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu mà còn có giải pháp phát triển chuỗi cung ứng bền vững - từ khâu nguyên liệu, sản xuất đến vận chuyển, phân phối - nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn cho tất cả các bên
Nhờ thực hiện tốt việc chủ động chuẩn bị hàng hóa để bình ổn thị trường (BOTT), tại TP HCM suốt thời gian qua không có sự biến động đột biến về giá, giúp người dân yên tâm mua sắm, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Năm 2024, chương trình BOTT tập trung số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia nhiều nhất, sản lượng hàng hóa lớn nhất và rất phong phú với nhiều mặt hàng mới. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về lý do đẩy mạnh chương trình BOTT trong giai đoạn hiện nay.
* Phóng viên: Hiện nay, hàng hóa lúc nào cũng dồi dào, cung - cầu thuận lợi nên một số tỉnh, thành đã âm thầm ngưng triển khai chương trình BOTT. Vì sao TP HCM lại tiếp tục làm mạnh, làm đậm chương trình này?
- Ông NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG: Hiện nay, tiềm lực của nền kinh tế đã có sự phát triển vượt bậc; hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa thời gian qua đã có nhiều bước chuyển và khắc phục được những tác động chủ quan lẫn khách quan, bảo đảm cung ứng hàng hóa dồi dào cho thị trường. Tuy nhiên, trước những bài học kinh nghiệm trong các đợt sốt giá đường, dầu ăn, trứng và nhất là gạo, TP HCM nhận thức rất rõ là không thể chủ quan mà phải luôn có giải pháp dự phòng, chủ động trong kế hoạch lẫn thực hiện cung ứng hàng hóa, ổn định thị trường, kịp thời xử lý khi có đột biến xảy ra.
Quan trọng hơn, mặc dù kinh tế phát triển nhưng trên địa bàn TP HCM vẫn còn rất nhiều người lao động có thu nhập thấp, người yếu thế, người nghèo cần được chăm lo. Nếu những biến động giá cả hàng tiêu dùng thiết yếu xảy ra thường xuyên, dù là biên độ thấp, cũng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và thu chi của những nhóm người này. Vì vậy, TP HCM đẩy mạnh công tác BOTT nhằm giúp người dân yên tâm hơn trong chi tiêu, mua sắm phục vụ đời sống hằng ngày.
So với các tỉnh, thành khác, TP HCM có lợi thế là thị trường lớn, tập trung những DN, thương hiệu lớn. Các DN này bên cạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh đều có các hoạt động cộng đồng, phù hợp với tôn chỉ, mục đích của chương trình BOTT. Do đó, các DN tự nguyện tham gia và tích cực triển khai các hoạt động trong chương trình BOTT.
Nhiều DN khi tham gia BOTT, thông qua sự điều phối của Sở Công Thương - đơn vị thường trực của chương trình - quy mô của những đợt khuyến mãi được mở rộng, tạo ra hiệu ứng marketing, được người tiêu dùng biết đến và ủng hộ nhiều hơn. Có thể khẳng định các chủ thể trong chương trình BOTT đều được hưởng lợi. Đây là những thuận lợi khách quan mà chương trình BOTT ở TP HCM đạt được so với các địa phương khác.
* So với những năm trước, chương trình BOTT năm 2024 có sự khác biệt nào đáng chú ý?
- TP HCM đã triển khai chương trình BOTT từ năm 2002, đến nay đã hơn 20 năm. Chương trình đã tạo sức lan tỏa lớn, thu hút 69 DN đầu mối tham gia. Phần lớn đó là những DN quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng. Qua đó, giúp gia tăng sản lượng, tăng cơ hội tiếp cận, mua sắm hàng hóa BOTT cho người tiêu dùng; đồng thời nâng cao khả năng chi phối, điều tiết thị trường của chương trình.
Năm nay, chương trình bổ sung rất nhiều sản phẩm mới ở tất cả các nhóm hàng. Đáng chú ý là lần đầu tiên laptop, máy tính để bàn, máy in phun, laser... được bổ sung vào nhóm các mặt hàng thiết bị điện tử phục vụ học tập. Nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có thêm nước rửa chén, nước lau nhà, bột giặt, chất tẩy rửa, khăn giấy, túi rác phân hủy sinh học… Nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu thì bổ sung mặt hàng muối, nước uống...
Một bước tiến rất rõ của chương trình BOTT là TP HCM không ngừng phát triển mạng lưới; hỗ trợ DN có năng lực để bảo đảm sản xuất, dự trữ và cung ứng tốt nhất. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng và chuỗi giá không chỉ từ khâu sản xuất đến phân phối mà còn liên quan quá trình chuẩn bị đầu tư, vùng nguyên liệu, công nghệ, các dịch vụ phụ trợ như hỗ trợ về mặt bằng, quảng bá thông tin, có các giải pháp về vận chuyển logistics…
2024 là năm đầu tiên chương trình thiết kế các loại hình dịch vụ hỗ trợ nói trên, vận động được nhiều DN chuyên nghiệp tham gia. Thậm chí, Sở Công Thương còn vận động cả DN phân bón tham gia, giúp các HTX sản xuất rau củ quả trên địa bàn và những nhà cung cấp cho các hệ thống phân phối tiếp cận nguồn nguyên liệu sản xuất ổn định, giá tốt.
* Chương trình sẽ thành công hơn nữa nếu thu hút được nhiều tập đoàn sản xuất lớn tham gia?
- Trong 69 DN tham gia chương trình năm nay, có rất nhiều DN sản xuất, phân phối lớn như Vinamilk, Nutifood, Vissan, Vinh Phát, Ba Huân, San Hà, C.P Việt Nam, Vinamit, Lương thực TP HCM, Bình Tây, Miliket, Saigon Food, Cholimex, Intermix, Lộc Trời, Tổng Công ty May 28, Sapuwa, Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Central Retail, MM Mega Market, AEON, Fahasa, Thế Giới Di Động… Tuy nhiên, trong danh sách này vẫn chưa có các tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn tại Việt Nam hiện nay như Unilever, P&G…
Thực tế, đa số DN sản xuất hàng tiêu dùng lớn đang hoạt động tại Việt Nam đều là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), phụ thuộc vào chiến lược của công ty mẹ ở nước ngoài. Đây cũng là những DN rất quan tâm thực hành trách nhiệm xã hội. Trong điều kiện bình thường, nếu có áp lực lớn buộc DN phải giữ ổn định giá, chọn một phương án phù hợp với lợi nhuận, bảo đảm hài hòa lợi ích thì các DN này sẽ sẵn sàng tham gia.
TP HCM vẫn tiếp tục vận động, tạo điều kiện tối đa cho các DN tham gia chương trình BOTT. Mới đây, các hệ thống phân phối hiện đại đã gợi ý giải pháp thành lập Hiệp hội Bán lẻ của TP HCM. Từ hiệp hội này, thay vì từng nhà phân phối đàm phán giá với nhà cung cấp thì các nhà phân phối sẽ thống nhất với nhau trong làm việc với nhà cung cấp lớn để cùng nhau phối hợp giữ ổn định giá thị trường lâu dài hơn.
Tôi tin rằng với sự vận động của Hiệp hội Bán lẻ, sẽ có thêm nhiều DN, tập đoàn lớn tham gia BOTT trong thời gian tới.
Hàng bình ổn giá chiếm thị phần lớn
Chương trình BOTT ở TP HCM được thiết kế trên tinh thần tự nguyện. Các DN tham gia bình ổn giá các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phục vụ học tập, hàng dược phẩm thiết yếu… Hiện lượng hàng bình ổn giá chiếm 21%-32% thị phần trong tháng thường, 24%-41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết và đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.
Theo quy định, các mặt hàng trong chương trình luôn có giá thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường cùng thời điểm, với sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng.