Tiếp tục lộ trình tính đủ giá dịch vụ y tế
Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện lộ trình tính đủ giá dịch vụ y tế: năm 2023 thực hiện mức giá có tính chi phí quản lý, trước năm 2025 thực hiện mức giá bao gồm cả khấu hao. Đây là bước đi đúng hướng, đáng hoan nghênh, tuy nhiên vẫn cần có một kế hoạch và lộ trình tổng thể cho cải cách hệ thống dịch vụ công y tế ở nước ta.Chính phủ cho rằng các vấn đề vướng mắc liên quan đến cơ chế tự chủ bệnh viện liên quan đến rất nhiều luật. Vì vậy, trước mắt sẽ thiết kế một mục quy định về tài chính y tế trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để tháo gỡ một phần vướng mắc và làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai. Để giải quyết triệt để, cần nghiên cứu ban hành Luật Đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) theo ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp tháng 10-2022. Báo cáo dài 31 trang, trong đó dành 23 trang nói về tự chủ tài chính tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh – vấn đề được cả đại biểu và người dân đặc biệt quan tâm.
Chính phủ cho biết, đến nay 100% số đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong cả nước đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo các nhóm quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP, Nghị định 16/2015/NĐ-CP, Nghị định 85/2012/NĐ-CP.
Trong số này, có 253 đơn vị đã tự chủ toàn bộ chi thường xuyên. Khả năng tự bảo đảm của các đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên ngày càng cao, nhiều đơn vị ở mức 80-90%.
Nhờ đó đã giảm được ngân sách nhà nước cấp tiền lương cho các đơn vị 9.000-10.000 tỉ đồng/năm. Số người hưởng lương từ ngân sách cũng giảm. Chỉ tính 26 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên thuộc Bộ Y tế đã giảm được 30.826 người, số tiền lương phải chi khoảng 2.900 tỉ đồng/năm.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, dịch Covdid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của nhiều đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện giảm, các chỉ tiêu chuyên môn giảm.
Tổng hợp từ 19 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cho thấy, năm 2021, tổng số lần khám bệnh chỉ bằng 69% so với năm 2020 và 57% so với năm 2019 (riêng khám chữa bệnh theo yêu cầu giảm mạnh, chỉ bằng 37-45%). Số bệnh nhân điều trị ngoại trú và nội trú; tổng số xét nghiệm, phẫu thuật, thủ thuật, chẩn đoán hình ảnh cũng giảm 17-38% so với hai năm trước đó.
Theo đánh giá của Chính phủ, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải của một số bệnh viện trung ương và thành phố lớn. Bệnh viện K, Nội tiết Trung ương, Nhi Trung ương đã giảm số giường nằm ghép từ 60-70% xuống còn 6-7%. Nhiều bệnh viện đã chuyển từ tư duy “phục vụ” sang “cung ứng dịch vụ”.
Việc giao quyền tự chủ đã khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị dưới bốn hình thức.
Thứ nhất là vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Bốn ngân hàng (BIDV, VietinBank, VIB, Vietcombank) đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho các bệnh viện công, các nhà đầu tư trong lĩnh vực y tế. Số vốn đã giải ngân khoảng 5.000 tỉ đồng trong tổng số đăng ký vay là 44.000 tỉ đồng.
Thứ hai là liên doanh, liên kết trang thiết bị, đến năm 2018 có 723 đề án được triển khai với số vốn 6.113 tỉ đồng.
Thứ ba là liên kết, hợp tác với tư nhân để đầu tư theo các mô hình như: cơ sở y tế công hợp tác với các nhà đầu tư để xây dựng bệnh viện và cùng quản lý; liên doanh, liên kết với nhà đầu tư để đầu tư xây dựng mới bộ phận, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong bệnh viện công; cho tư nhân thuê cơ sở hạ tầng…
Thứ tư là công ty trúng thầu cung cấp vật tư, hóa chất đặt máy để sử dụng hóa chất, vật tư tiêu hao đã trúng thầu. Tổng hợp số liệu của các đơn vị, địa phương, có 1.747 máy xét nghiệm, giá trị ước tính 2.980 tỉ đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chính phủ cũng nêu rõ vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công hiện nay. Đáng chú ý, để các bệnh viện tự chủ được về nhiệm vụ chuyên môn thì phải có đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, nguồn tài chính.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều bệnh viện, nhất là tuyến huyện, chưa được đầu tư, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực và thu nhập thấp nên việc thực hiện tự chủ rất hạn chế. Các giải pháp nhằm hạn chế việc các bệnh viện chạy theo, ưu tiên các hoạt động dịch vụ để tăng nguồn thu cũng chưa có.
Đáng chú ý, hiện nay, toàn bộ nguồn tài chính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quản lý theo quy định của pháp luật về ngân sách và đầu tư công. Bởi vậy, toàn bộ việc mua sắm phải thực hiện theo cơ chế đấu thầu với một quy trình, thủ tục gồm nhiều bước.
Thông thường, một gói thầu kéo dài từ 6-8 tháng nhưng thời gian ký hợp đồng cũng chỉ có một năm. Thành ra, các bệnh viện mất rất nhiều thời gian, công sức cho việc đấu thầu nhưng vẫn không bảo đảm tính kịp thời trong cung cấp thuốc, trang thiết bị y tế cho người bệnh.
Việc chi trả tiền lương tăng thêm cũng rất áp lực cho các cơ sở y tế. Lý do kết cấu chi phí tiền lương theo lương ngạch, bậc và mức lương tối thiểu vào giá dịch vụ thấp, cơ chế chi trả tiền lương tăng thêm phụ thuộc vào tiết kiệm chi và chi lương tăng thêm sau chi phí. Vì vậy, các đơn vị sẽ phải bằng mọi cách để tiết kiệm, thậm chí cắt giảm quyền lợi người bệnh hoặc chỉ định quá mức cần thiết để có nguồn chi lương tăng thêm.
Qua rà soát, Chính phủ cho rằng các vấn đề vướng mắc liên quan đến cơ chế tự chủ bệnh viện liên quan đến rất nhiều luật. Vì vậy, trước mắt sẽ thiết kế một mục quy định về tài chính y tế trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để tháo gỡ một phần vướng mắc và làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai.
Để giải quyết triệt để, cần nghiên cứu ban hành Luật Đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Chính phủ cũng đề xuất ban hành các quy định để các bệnh viện có quy mô lớn, có thương hiệu, có khả năng xã hội hóa cao vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết đầu tư các bệnh viện mới ngoài bệnh viện công hiện có. Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình tính đủ giá dịch vụ y tế: năm 2023 thực hiện mức giá có tính chi phí quản lý, trước năm 2025 thực hiện mức giá bao gồm cả khấu hao.
Về mặt ngắn hạn, những đề xuất trên đây là thiết thực để gỡ khó cho bệnh viện công. Tuy nhiên, bài toán cải cách toàn diện hệ thống cung cấp dịch vụ công y tế vẫn chưa được tiếp cận một cách tổng thể và có lộ trình thực hiện trong dài hạn. Đây là thách thức tiếp theo mà Quốc hội cần thảo luận và có định hướng yêu cầu Chính phủ thực hiện trong thời gian tiếp theo.
An Nhiên
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tiep-tuc-lo-trinh-tinh-du-gia-dich-vu-y-te/