Tiếp tục nâng cao chất lượng dân số vùng khó

Thái Nguyên hiện có trên 384 nghìn người dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu ở 110 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Xác định nâng cao chất lượng dân số là góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tỉnh đã đề ra nhiều mục tiêu cũng như những giải pháp quan trọng.

Thái Nguyên hiện có trên 384 nghìn người dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu ở 110 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Xác định nâng cao chất lượng dân số là góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tỉnh đã đề ra nhiều mục tiêu cũng như những giải pháp quan trọng.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai khám sức khỏe cho người cao tuổi.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai khám sức khỏe cho người cao tuổi.

Theo đó, thực hiện nội dung “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, thuộc Dự án 7 “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021 - 2025), Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 có 25% nam, nữ tại các địa bàn vùng dân tộc thiểu số khám sức khỏe tiền hôn nhân; 20% bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 30% trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh 5 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất.

Ngoài ra, tỉnh phấn đấu, ít nhất 35% người cao tuổi thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; mỗi năm có 60% người sử dụng dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Bác sĩ Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ, cho biết: Thực hiện các chỉ tiêu này, chúng tôi có thể gặp không ít khó khăn nhưng với quyết tâm cao, lực lượng cán bộ y tế cơ sở vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhất những phần việc được giao, góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

Nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra, lực lượng y tế của tỉnh luôn tích cực phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh cho người dân miền núi, vùng cao của tỉnh.

Chị Ngô Thị Đạt, cán bộ Trạm Y tế xã Tân Long (Đồng Hỷ), cho hay: Để nâng cao nhận thức của người dân, chúng tôi tập trung truyền thông chính sách, pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình; tổ chức tư vấn chuyên môn tại cộng đồng về khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục về tảo hôn, hôn nhân cận huyết và bệnh tan máu bẩm sinh.

Cùng với đó, lực lượng y tế cơ sở còn tích cực tuyên truyền, vận động và xây dựng môi trường xã hội ủng hộ, tham gia chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi. Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi.

Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế làm công tác tư vấn, khám sức khỏe cho người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Từ đó đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi, thích nghi với tình trạng già hóa dân số nhanh.

Người trong độ tuổi kết hôn khám sức khỏe tại Trạm Y tế xã Sảng Mộc (Võ Nhai).

Người trong độ tuổi kết hôn khám sức khỏe tại Trạm Y tế xã Sảng Mộc (Võ Nhai).

Ngoài các hoạt động nêu trên, tỉnh còn thực hiện ổn định và phát triển dân số của đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi bằng cách tuyên truyền, vận động chính sách, pháp luật về dân số phù hợp tâm lý, tập quán của người dân.

Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình tại các xã vùng khó 2 đợt/xã/năm. Song song với đó là cung cấp dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình phù hợp với thực trạng văn hóa của từng dân tộc; chú trọng các mô hình can thiệp vận động đồng bào có điều kiện kinh tế khó khăn có mức sinh cao nên sinh ít con hơn; tăng cường bảo vệ, phát triển dân tộc dưới 10 nghìn người…

Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh, nói: Việc kiểm soát, quản lý dân số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi rất quan trọng. Bởi vậy, để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, cùng với giải pháp nêu trên, thời gian tới, Thái Nguyên sẽ bổ sung trang thiết bị cho Kho dữ liệu chuyên ngành; rà soát thông tin, cơ sở dữ liệu; củng cố, kiện toàn kho dữ liệu chuyên ngành dân số; chia sẻ, kết nối với cơ sở dữ liệu các ngành liên quan (Tư pháp, Công an...).

Đặc biệt là quan tâm nâng cao năng lực quản lý dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thông qua các hoạt động tập huấn kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ; kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ y tế cơ sở; kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật, quản lý hoạt động… Tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, thay đổi nhận thức để phòng, chống bệnh tan máu bẩm sinh tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202309/tiep-tuc-nang-cao-chat-luong-dan-so-vung-kho-dee313c/