Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế
Chiều tối 22/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với Trưởng các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số giai đoạn tiếp theo.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và trực tuyến với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Điện Biên, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.
6 tháng đầu năm 2025, công tác ngoại giao kinh tế được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; hỗ trợ địa phương tổ chức hơn 150 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các địa phương ở trong và ngoài nước... Đồng thời, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp kết nối đối tác, tiếp cận, thiết lập và mở rộng sự hiện diện tại thị trường nước ngoài.
Hội nghị đã thảo luận, đánh giá tình hình; phân tích nguyên nhân; bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp đột phá thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư nhằm tăng tốc thu hút đầu tư vào Việt Nam, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và nâng kim ngạch thương mại; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm về hoàn thiện thể chế, thu hút nguồn nhân lực, khoa học quản trị…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh những kết quả tích cực, quan trọng mà các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được, góp phần vào những thành tựu, kết quả chung của đất nước thời gian qua. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh đối thoại, tư vấn chính sách về các vấn đề kinh tế phát triển của Việt Nam và chú trọng nghiên cứu dài hạn về những vấn đề chiến lược với tinh thần “nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn”. Tiếp tục đưa mối quan hệ với nước láng giềng, các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất, bền vững, lâu dài trên cơ sở tin cậy, chân thành, hài hòa lợi ích, tạo lập những đột phá mới.
Tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ Việt Nam; xúc tiến thương mại, đầu tư thực chất, hiệu quả hơn; phát triển thị trường cạnh tranh bền vững; đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Thúc đẩy và tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao từ nay đến cuối năm; các hình thức giao lưu, tiếp xúc đa dạng, linh hoạt ở tất cả các cấp, ngành, các kênh; tạo môi trường thuận lợi cho tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Các bộ, ngành, ngành hàng, hiệp hội phải đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong triển khai các công việc.