Tiếp tục nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng

Khi nghe bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), với sứ mệnh của Đảng hiện nay là phải lãnh đạo, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Bí thư chi bộ khu dân cư số 10 phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) Nguyễn Ngọc Trinh cho biết, trong 7 nhóm vấn đề trọng tâm được nêu trong bài viết, bà rất tâm đắc với vấn đề thứ 3 về tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại, phát triển của Đảng.

Bà Nguyễn Ngọc Trinh, Bí thư chi bộ khu dân cư số 10, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Bà Nguyễn Ngọc Trinh, Bí thư chi bộ khu dân cư số 10, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Theo bà Nguyễn Ngọc Trinh, trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đang đứng trước những vận hội và thách thức mới để tiếp tục sự nghiệp đổi mới với ưu tiên hàng đầu là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao. Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần luôn giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng các tổ chức chi bộ vững mạnh, rèn luyện tư cách đảng viên với phẩm chất và năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Việc nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng nói chung và trong xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh nói riêng có ý nghĩa quan trọng.

Cá nhân đảng viên phải luôn đoàn kết, thống nhất, gương mẫu, nói đi đôi với làm. Đoàn kết không phải ngoài miệng mà cả trong công tác, tự phê bình và phê bình để giúp nhau tiến bộ. Đoàn kết là thuộc tính tất yếu, là sức mạnh của Đảng. Vì vậy, Đảng phải luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, xem đó là nhiệm vụ đặc biệt, một nguyên tắc trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đảng phải thường xuyên thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển đoàn kết, thống nhất của Đảng. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Chi ủy giữ vai trò quy tụ trong đoàn kết chi bộ. Do vậy cần quan tâm xây dựng, củng cố chi ủy gắn với việc lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực. Các cán bộ chủ chốt của chi bộ phải là những người mẫu mực về đoàn kết; phải biết kết hợp và xử lý hài hòa giữa các lợi ích, đặt lợi ích tập thể, chi bộ lên trên hết, có khả năng quy tụ tinh thần đoàn kết trong toàn chi bộ. Công tác lãnh đạo xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gắn liền với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là một trong những nhiệm vụ quan trọng, giữ vai trò to lớn trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Đặc biệt, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng. Đồng thời, thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư về đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Chi ủy phải nắm chắc tình hình tư tưởng và kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng đảng viên được chi bộ phân công; kịp thời biểu dương những đảng viên gương mẫu và giúp đỡ giáo dục, xử lý nghiêm những đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm để chi bộ thực sự là nơi quản lý, giáo dục, đào tạo, rèn luyện và sàng lọc đội ngũ đảng viên.

Đồng quan điểm này, bà Phạm Tâm Hiếu (50 năm tuổi đảng ở phố Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, cùng với công tác chỉnh đốn xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cần được tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh. Qua đó, góp phần làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng.

Hiện nay, tham nhũng, lãng phí đang là vấn đề nhức nhối, gây ra những hậu quả nghiêm trọng; trực tiếp phá hoại công cuộc phát triển đất nước, gây mất ổn định chính trị, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Đặc biệt, tệ nạn này đang làm tha hóa cán bộ, đảng viên; làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng; là tiền đề của mất ổn định xã hội; tạo điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện chiến lược "Diễn biến hòa bình", gây bạo loạn lật đổ, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Theo bà Phạm Tâm Hiếu, tại thời điểm này, vấn đề phòng, chống lãng phí là cần thiết cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành hành động tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, tạo ra văn hóa ứng xử trong thời đại mới. Như vậy mới đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nam Giang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tiep-tuc-nang-cao-chat-luong-suc-chien-dau-cua-cac-to-chuc-co-so-dang-20250206134510483.htm