Tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân từ trông chờ miễn phí sang tự chi trả các phương tiện tránh thai
Việc sử dụng phương tiện tránh thai miễn phí đã kéo dài nhiều năm. Do đó, tâm lý, thói quen được bao cấp chuyển sang xã hội hóa tự trả tiền chưa cao, gây khó khăn trong công tác xã hội hóa.
Để thực hiện Đề án Xã hội hóa cung cấp các phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020 (Đề án 818), thời gian qua, ngành Dân số Quảng Ngãi đã tổ chức lồng ghép chương trình trong các lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến các văn bản hướng dẫn triển khai của Trung ương, tỉnh, huyện về xã xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số, người dân ở các huyện, thị xã, thành phố.
Qua đó nhằm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề xã hội hóa các phương tiện tránh thai trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, cũng như trong việc tầm soát các bệnh của phụ nữ.
Trước đây, đa phần người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có thói quen trông chờ vào sự tài trợ của Nhà nước để được sử dụng miễn phí các dịch vụ DS-KHHGĐ, phương tiện tránh thai. Tuy nhiên, từ khi triển khai thực hiện Đề án, nhận thức của người dân đã dần thay đổi, thay vì chờ đợi được cấp miễn phí, nhiều người đã chủ động lựa chọn cho mình các phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng.
Nhận thấy kết quả từ Đề án, tháng 10/2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Quyết định triển khai Đề án 818 đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về cung cấp các phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình có chất lượng, đảm bảo sự công bằng xã hội, tính bền vững của chương trình mục tiêu y tế - dân số trên địa bàn.
Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2030, đa dạng hóa các phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS, chú trọng vào các phương tiện tránh thai hiện đại có tác dụng lâu dài và hiệu quả. Đảm bảo mỗi loại phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có ít nhất từ 2 đến 3 chủng loại khác nhau được đưa vào cung cấp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tăng cường tiếp cận dịch vụ cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS của người dân; nâng cao năng lực cho cán bộ dân số, cán bộ y tế thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS.
Hướng đến 100% Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS; 100% các cơ sở y tế công lập (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế, Khoa Sản các Bệnh viện trên địa bàn tỉnh, Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn); 40% các cơ sở Y tế ngoài công lập có Khoa Sản trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện xã hội hóa cung cấp hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS theo quy định.
100% số người cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa SKSS được tập huấn nâng cao kỹ năng tư vấn, tiếp thị, bảo quản, phân phối sản phẩm; cơ sở y tế cung cấp dịch vụ được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; 90% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin kiến thức, tài liệu về xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS.
Đề án được triển khai tại 14 huyện, thành phố và 184 xã, phường, thị trấn trong phạm vi toàn tỉnh Quảng Ngãi. Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đề ra các nhiệm vụ như: Củng cố và phát triển mạng lưới cung ứng phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS trên cơ sở huy động sự tham gia của các doanh nghiệp/tổ chức/tư nhân thuộc các thành phần kinh tế; nâng cao chất lượng và số lượng các chủng loại phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS.
Bên cạnh đó, lựa chọn, đưa vào thị trường chủng loại phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân. Đánh giá khả năng tiếp cận, sự chấp nhận các sản phẩm phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS của người dân.
Ngoài ra, tăng cường quản lý chất lượng phương tiện tránh thai, các sản phẩm chăm sóc KHHGĐ/SKSS. Nâng cao năng lực cho cán bộ dân số, cán bộ y tế của các cơ sở y tế công lập thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS
Tuyên truyền, vận động để tạo môi trường xã hội đồng thuận thúc đẩy xã hội hóa và phát triển thị trường phương tiện tránh thai, hàng hóa KHHGĐ/SKSS cho người dân trên địa bàn.
Theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Ngãi, hiện trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai Đề án 818. Cụ thể, nhận thức của người dân từ việc bao cấp phương tiện tránh thai miễn phí đã kéo dài nhiều năm. Tâm lý, thói quen được bao cấp chuyển sang xã hội hóa tự chi trả tiền chưa cao.
Do đó, để thực hiện Đề án 818 trong thời gian tới, ngành Dân số Quảng Ngãi sẽ triển khai lồng ghép nội dung giới thiệu hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS, đặc biệt các phương tiện tránh thai hiện đại có có tác dụng lâu dài và hiệu quả; vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng phương tiện tránh thai hiện đại vào các nội dung tuyên truyền các hoạt động dân số và phát triển.