Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Phụ nữ Việt Nam
Suốt chiều dài lịch sử 90 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã không ngừng phát triển và trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh, rộng khắp, vận động, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngược dòng thời gian, dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công, nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng tham gia cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du. Nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai…
Phụ nữ Sóc Trăng phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam. Ảnh: M.LINH
Tại hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 6-1-1930 - 8-2-1930, đã quyết định lập ra các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo, trong đó có Hội Phụ nữ giải phóng. Sự kiện lịch sử này là mốc son quan trọng thể hiện rõ quan điểm của Đảng ta đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Hội ra đời đã thu hút đông đảo phụ nữ tham gia. Bên cạnh đó, những tổ chức quần chúng như: Công hội, Nông hội… các nhóm tương tế, tổ học nghề, đọc báo đều có phụ nữ tham gia. Ngoài ra, ở nhiều địa phương, phụ nữ còn có đoàn thể riêng của giới mình như: Hội phụ nữ phản đế đồng minh, phụ nữ hiệp hội, phụ nữ giải phóng. Từ các tổ chức phụ nữ như: Hội Phụ nữ Giải phóng, Hội Phụ nữ Dân chủ, Hội Phụ nữ Phản đế, Đoàn phụ nữ Cứu quốc, đến ngày 20-10-1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chính thức được mang tên cho đến bây giờ. Căn cứ vào nghị quyết về Phụ nữ vận động và Điều lệ Phụ nữ liên hiệp Hội, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ 4 năm 1974 đã quyết định lấy ngày 20-10-1930 là ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam.
Trải qua lịch sử 90 năm trưởng thành và phát triển, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Hội LHPN Việt Nam đã và đang ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước và sự nghiệp giải phóng phụ nữ, sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Hội LHPN Việt Nam xứng đáng là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mọi tầng lớp phụ nữ Việt Nam.
Chị em phụ nữ may khẩu trang tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: H.LAN
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Hội LHPN Việt Nam, các tầng lớp phụ nữ Sóc Trăng tiếp tục vững bước tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tiếp tục phát triển, vun bồi những thành quả lớn lao và vô cùng cao quý của các thế hệ phụ nữ đi trước. Các cấp hội không ngừng nỗ lực, xây dựng tổ chức hội ngày càng phát triển lớn mạnh; tổ chức các phong trào, các cuộc vận động hướng về cơ sở; thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động “Phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”", “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng nông thôn mới, tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hạn hán, xâm nhập mặn. Đặc biệt là thực hiện chủ đề năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em, Đề án 938, cũng như 90 hành động thiết thực vì phụ nữ, trẻ em.
Các cấp hội đã thành lập các tổ, nhóm, câu lạc bộ phụ nữ làm theo Bác, 3 chủ động trong thực hiện phong trào thi đua; 3 tốt (tiết kiệm tốt, đoàn kết tốt, lao động tốt), rèn luyện 4 phẩm chất, tự tin tiến bộ nói không với tệ nạn xã hội, tự trọng không mê tín dị đoan; mua bảo hiểm y tế… Tuyên truyền sử dụng nước sạch và bảo vệ môi trường, thu gom rác gây quỹ, thu gom rác thải tái chế, hạn chế sử dụng rác thải nhựa, “biến rác thành tiền”, đoạn đường xanh - sạch - đẹp, cụm dân cư 3 sạch, phụ nữ tôn giáo với pháp luật, phụ nữ dân tộc với pháp luật, hòa nhập cộng đồng, phụ nữ tiết kiệm, hùn vốn tương trợ. Hỗ trợ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ; phối hợp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên; thực hiện ủy thác với ngân hàng chính sách xã hội, giúp các chị có nguồn vốn phát triển sản xuất, có việc làm, thu nhập, từ đó góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên, chị em phụ nữ trong tỉnh. Ngoài ra, các cấp hội trong tỉnh đã chủ động đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, cải tiến công tác tuyên truyền, đề xuất chính sách, giám sát, góp ý kiến, phản biện xã hội dự thảo văn bản có liên quan đến phụ nữ, trẻ em, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đến nay, toàn tỉnh có 98,3% cán bộ hội chủ chốt các cấp đạt chuẩn chức danh cán bộ, công chức, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát huy những thành tích đạt được, trong thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tiếp tục xây dựng tổ chức hội ngày càng phát triển, là chỗ dựa tin cậy của hội viên phụ nữ; tiếp tục nêu cao ý thức trách nhiệm, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Hội LHPN, nhiệm kỳ 2017 - 2022 và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, góp phần xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng phát triển nhanh và bền vững.