Tiếp tục phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

Sáng 12/6, tại Trung tâm hội nghị Pytopia (TP Tuy Hòa), Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT và Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Diễn đàn này là một trong những hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 tổ chức tại Phú Yên.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu kết luận tại diễn đàn. Ảnh: ANH NGỌC

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu kết luận tại diễn đàn. Ảnh: ANH NGỌC

Tham dự diễn đàn, đại biểu Trung ương có các đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ TN-MT; Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GT-VT; Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cùng một số bộ, ngành Trung ương… Tham dự diễn đàn còn có bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình phát triển của LHQ tại Việt Nam; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND 28 tỉnh, thành phố có biển trên cả nước…

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương phát biểu chào mừng tại diễn đàn. Ảnh: ANH NGỌC

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương phát biểu chào mừng tại diễn đàn. Ảnh: ANH NGỌC

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên có các đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành…

Phát biểu chào mừng, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương cho biết, kinh tế biển là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong thế kỷ của “biển và đại dương”. Đây cũng chính là khu vực sẽ chứng kiến nhiều sự cạnh tranh, đòi hỏi mỗi quốc gia phải có sự tiếp cận phù hợp, kịp thời để có thể khai thác lợi thế này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế biển cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng đã có những sự phát triển quan trọng, tạo ra những động lực phát triển cho từng địa phương. Diễn đàn lần này là cơ hội quan trọng để các địa phương ven biển được ngồi lại với các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp trong lĩnh vực để chia sẻ những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn vướng mắc để cùng thảo luận, tìm ra các giải pháp phát triển trong thời gian tới…

Các đại biểu tham gia chương trình tọa đàm tại Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Ảnh: ANH NGỌC

Các đại biểu tham gia chương trình tọa đàm tại Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Ảnh: ANH NGỌC

Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tham dự tập trung bám sát các nội dung trọng tâm; những nội dung cơ bản về phát triển kinh tế biển đã được nêu tại Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để làm sâu sắc hơn những đánh giá, nhận định về thực tiễn phát triển kinh tế biển Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, đề xuất các giải pháp, cách làm mới, thực chất, hiệu quả nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: ANH NGỌC

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: ANH NGỌC

Những mục tiêu, nhiệm vụ đó là thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Tổ chức tốt việc xây dựng và quản lý thống nhất quy hoạch không gian biển quốc gia, hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và chuyên ngành về biển, đảo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc…

Tại diễn đàn, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã có nhiều tham luận liên quan đến vấn đề phát triển bền vững kinh tế biển, các mô hình phát triển tăng trưởng xanh, vai trò kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ…

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Ảnh: ANH NGỌC

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Ảnh: ANH NGỌC

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cho biết, thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ của đại dương”. Biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội cũng như vấn đề an ninh quốc gia. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước, hiện đóng góp khoảng 3 nghìn tỉ USD mỗi năm, tức 5% GDP của thế giới bao gồm các ngành chính là dầu khí, vận tải biển, cảng, năng lượng tái tạo, thủy sản, hệ sinh thái biển và du lịch biển. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta biết “ra biển là thịnh vượng, ngược biển là suy tàn”.

Tham luận tại diễn đàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ đã chia sẻ, khu vực ven biển của tỉnh Phú Yên phát triển mạnh, là đầu tàu kinh tế của tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10,5%/năm; thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, đóng góp trên 65% giá trị GDP và trên 75% ngân sách tỉnh. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, du lịch được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ, phục vụ tốt công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển. Hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển được đẩy mạnh. Khu vực ven biển của tỉnh đã hình thành 5 khu công nghiệp tập trung, tổng diện tích hơn 460ha, đã có hơn 80 dự án đầu tư, tỉ lệ đăng ký đầu tư lấp đầy khoảng 77%.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Ảnh: ANH NGỌC

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Ảnh: ANH NGỌC

Phú Yên đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy hoạch tỉnh nhằm thống nhất quy hoạch các địa phương ven biển; đầu tư, khai thác có hiệu quả cảnh quan tự nhiên như vũng, vịnh bãi biển, đảo, cụm đảo để khai thác đa dạng loại hình dịch vụ du lịch; hiện đại hóa và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu dân cư, khu kinh tế, giao thông, cảng biển, cảnh quan vùng ven biển; chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo; khoanh vùng, bảo vệ các khu, hệ sinh thái san hô, cỏ biển trên vùng biển của tỉnh.

Tại diễn đàn, còn diễn ra chương trình tọa đàm liên quan đến các vấn đề vận tải biển, năng lượng gió, du lịch biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, phát triển kinh tế biển gắn với địa phương…

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh và các đại biểu tham dự Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Ảnh: VÕ PHÊ

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh và các đại biểu tham dự Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Ảnh: VÕ PHÊ

Phát biểu kết luận, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc đánh giá, yêu cầu, kiến nghị… trong quá trình triển khai thực hiện phát triển kinh tế biển, thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW. Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị các cơ quan liên quan triển khai ngay các giải pháp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của biển từ những đề xuất, kiến nghị tại diễn đàn này. Trong đó, tập trung rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hệ thống pháp luật về biển và hải đảo; từng bước thực hiện đầy đủ và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết 36-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết 26/NQ-CP của Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm tính thống nhất, khả thi, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Xây dựng, trình duyệt và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển, trọng tâm là quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; quy hoạch các khu vực biển, đảo cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Sớm phê duyệt ranh giới quản lý hành chính trên biển giữa các địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý biển của chính quyền địa phương cũng như tạo hành lang pháp lý để kiểm soát hiệu quả việc khai thác tài nguyên trong phát triển kinh tế biển.

Các đại biểu xem tranh ảnh triển lãm về phát triển kinh tế biển, môi trường… tại Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Ảnh: VÕ PHÊ

Các đại biểu xem tranh ảnh triển lãm về phát triển kinh tế biển, môi trường… tại Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Ảnh: VÕ PHÊ

Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, triển khai xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh. Xây dựng và ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xác định, đánh giá các ngành kinh tế thuần biển làm cơ sở giám sát, đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết. Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác trên các vùng biển và hải đảo; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật trong khâu chế biến, bảo quản và xuất khẩu thủy sản, tạo động lực phát triển ngành thủy sản theo hướng tiềm năng, lợi thế.

Đặc biệt, chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo, khoanh vùng, bảo vệ các khu, hệ sinh thái san hô, cỏ biển trên vùng biển. Lập kế hoạch phục hồi và phát triển các khu, hệ sinh thái, đa dạng sinh học bị suy giảm, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguồn gốc từ đất liền và từ biển, đảo…

ANH NGỌC - VÕ PHÊ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/277599/tiep-tuc-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien-viet-nam.html