Tiếp tục phối hợp, lồng ghép hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách
Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội nhằm xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, xây dựng nông thôn có hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa miền núi, nông thôn và thành thị.
Cùng với các chính sách tổng thể thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện là một cấu phần quan trọng trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Chính sách này đã tạo điều kiện cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước một cách thuận lợi, nhanh chóng để phát triển sản xuất - kinh doanh, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở khu vực nông thôn, vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tính đến ngày 30/4/2024, dư nợ cho vay tại khu vực này đạt 122.175 tỷ đồng, chiếm 35,3% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội với hơn 2,3 triệu khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ đối với đối tượng vay vốn là hộ dân tộc thiểu số đạt 85.857 tỷ đồng với hơn 1,6 triệu hộ còn dư nợ, chiếm 24,8% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội; dư nợ bình quân mỗi hộ dân tộc thiểu số đạt hơn 53,5 triệu đồng (dư nợ bình quân chung toàn quốc là 50,3 triệu đồng/khách hàng).
ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tăng cường tuyên truyền để mọi người dân đều biết, nhân rộng mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư.
Với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tại ngày 30/4/2024, dư nợ ở khu vực này đạt 306.750 tỷ đồng, chiếm 88,6% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong đó, dư nợ tập trung vào một số lĩnh vực chính như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 199.380 tỷ đồng (chiếm 65%); cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn (xây nhà ở; cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường; giáo dục và đào tạo...) là 83.130 tỷ đồng (chiếm 27,1%); công nghiệp, thương mại và cung ứng dịch vụ phi nông nghiệp là 14.100 tỷ đồng (chiếm 4,6%)...
Với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tính đến thời điểm 30/4/2024, dư nợ cho vay đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt 133.617 tỷ đồng, chiếm 38,6% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội với hơn 2,8 triệu hộ còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay tại các huyện nghèo đạt 33.546 tỷ đồng, chiếm 9,6% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội với gần 556.000 hộ còn dư nợ.
“Các nguồn lực đầu tư được tập trung để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, góp phần tích cực trong việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia”, ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chia sẻ.
Được biết, trong những năm tiếp theo, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội nhằm xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội; phối hợp hiệu quả các hoạt động khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm...
Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người dân đều biết, nhân rộng mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ.