Tiếp tục phương án khoan nhồi, guồng xoắn để giải cứu cháu bé rơi xuống cọc bê-tông

Chiều 2/1, lực lượng công binh Quân khu 9 và nhiều đơn vị khác đã được tăng cường để cứu cháu bé rơi xuống cọc bê-tông. Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, các lực lượng chuyên môn, nhóm kỹ thuật đang nỗ lực hết sức để rút ngắn tối đa thời gian cứu hộ.

Tiếp tục phương án khoan nhồi, guồng xoắn để giải cứu cháu bé 10 tuổi rơi xuống ống cọc bê-tông.

Tiếp tục phương án khoan nhồi, guồng xoắn để giải cứu cháu bé 10 tuổi rơi xuống ống cọc bê-tông.

Diễn biến chính vụ cứu hộ

- 11 giờ 30 phút, ngày 31/12/2022, bé Thái Lý Hào Nam cùng 3 bạn trong xóm vào công trình cầu nằm trên đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi để nhặt sắt. Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam lọt xuống trụ bê-tông rỗng bên trong, đường kính 25cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m.

- Khoảng 30 phút sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng cứu hộ có mặt, triển khai nhiều phương án, trong đó dùng máy xúc múc quanh trụ bê-tông tạo miệng hố rộng để nhổ cọc. Tuy nhiên, khi đào xuống khoảng 10m, lực lượng cứu hộ không thể rút được trụ lên

- Ngày 1/1, lực lượng cứu hộ tiếp tục dùng máy khoan chọc sâu, kết hợp làm mềm đất để kéo trụ bê-tông lên.

- Sáng 2/1, lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực cứu cháu bé, huy động thêm các phương tiện cứu hộ và tiếp tục bơm oxy xuống bên dưới trụ bê-tông.

- Trưa 2/1, nhiều lực lượng và phương tiện đã được tăng cường để tham gia cứu hộ.

Dùng khoan nhồi và khoan guồng xoắn để phá vỡ kết cấu địa chất

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp, chiều 2/1, hiện các lực lượng đang tham gia cứu nạn bao gồm: Ban Chỉ đạo ưng phó với biến đổi khí hậu–phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp; Chủ đầu tư; Ban quản lý dự án; Tư vấn giám sát; nhà thầu thi công; chính quyền địa phương và các lực lượng khác.

Cơ quan chức năng đã huy động 2 cần cẩu, 4 máy đào, 5 xà lan, 1 dàn cọc khoan nhồi, 1 thiết bị xói hút bùn, 1 giàn khoan guồng xoắn, 2 giàn khoan địa chất và các máy phụ trợ khác. Hiện, thêm 1 dàn khoan guồng xoắn, ống vách đường kính lớn đã được tập kết để phối hợp thực hiện với giàn khoan đã có tại hiện trường.

Tiếp tục phương án khoan nhồi, guồng xoắn để giải cứu cháu bé 10 tuổi tại Đồng Tháp.

Tiếp tục phương án khoan nhồi, guồng xoắn để giải cứu cháu bé 10 tuổi tại Đồng Tháp.

Cũng theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp, phương án giải cứu nạn nhân là dùng khoan nhồi và khoan guồng xoắn để phá vỡ kết cấu lớp địa chất chung quanh trụ bê-tông để cẩu trụ lên, cứu cháu bé. Lực lượng cứu hộ đã tập trung sử dụng cần cẩu, máy đào, sà-lan, dàn khoan nhồi, giàn khoan guồng xoắn, giàn khoan địa chất và các máy móc phụ trợ khác để phục vụ công tác giải cứu nạn nhân.

Tính đến hết sáng 2/1, lực lượng cứu nạn đã sử dụng mũi khoan guồng xoắn tại các vị trí chung quanh cọc, với chiều sâu hiện tại là 2/3 chiều dài cọc. Bên cạnh đó, lực lượng y tế và đội cứu nạn cũng luôn túc trực tại hiện trường, bơm oxy liên tục để tạo dưỡng khí cho nạn nhân.

Tăng cường lực lượng, phương tiện để cứu cháu bé

Sáng 2/1, trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo cho biết, sáng nay lực lượng cứu hộ vẫn tiến hành cứu bé trai theo phương án đã đề ra ban đầu.

“Trong quá trình thực hiện phát sinh một số tình huống xảy ra nên phải điều chỉnh để bảo đảm an toàn tốt nhất cho bé trai và lực lượng thực hiện. Tối qua, chúng tôi chỉ tạm dừng khoảng 1-2 tiếng để đưa ra phương pháp tối ưu, sau đó đã tiếp tục công tác cứu cháu bé một cách sớm nhất, an toàn nhất”, ông Lê Hoàng Bảo nói.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành tỉnh, địa phương đến thăm hỏi, động viên gia đình cháu bé.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành tỉnh, địa phương đến thăm hỏi, động viên gia đình cháu bé.

Cũng theo ông Lê Hoàng Bảo, hiện khối lượng công việc để cứu cháu bé rất lớn, phải điều động thiết bị, nhân lực, vì vậy cần có sự phối hợp nhịp nhàng, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân, để quá trình cứu hộ thuận lợi.

Trong quá trình thực hiện phát sinh một số tình huống xảy ra nên phải điều chỉnh để bảo đảm an toàn tốt nhất cho bé trai và lực lượng thực hiện. Tối qua, chúng tôi chỉ tạm dừng khoảng 1-2 tiếng để đưa ra phương pháp tối ưu, sau đó đã tiếp tục công tác cứu cháu bé một cách sớm nhất, an toàn nhất.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo

Trưa 2/1, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã đến hiện trường làm việc với lực lượng chỉ đạo công tác cứu hộ của tỉnh Đồng Tháp và thăm, động viên gia đình nạn nhân.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, vào lúc 13 giờ 30 phút, 1 xe biển số Thành phố Hồ Chí Minh (có dòng chữ Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) tăng cường phương tiện "mũi khoan ruột gà" công suất lớn chạy thẳng vào khu vực cứu hộ cháu bé.

Mặc dù thời tiết đang rất nắng nóng, nhưng lực lượng làm nhiệm vụ vẫn tích cực công tác cứu hộ.

Sẵn sàng đưa trụ bê-tông lên ngay khi đủ điều kiện

Trao đổi với phóng viên tại hiện trường, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho hay, hiện các lực lượng chuyên môn, các nhóm kỹ thuật đang nỗ lực hết sức để rút ngắn tối đa thời gian cứu hộ.

"Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị huy động mọi nguồn lực để rút ngắn đợt cứu hộ này. Ngoài lực lượng tại chỗ, tất cả các thiết bị chuyên dụng, lực lượng phòng cháy chữa cháy, bộ đội đều được tập trung. Quân khu 9 cũng đã cử lực lượng công binh với thiết bị chuyên dụng nội soi, thăm dò; các thiết bị cưa cắt để có thể sử dụng bất kể ngày đêm", ông Bửu nói.

Lực lượng công binh của Quân khu 9 hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật để cứu hộ cháu bé.

Lực lượng công binh của Quân khu 9 hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật để cứu hộ cháu bé.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, đây là sự việc chưa từng có tiền lệ. Tình huống bé trai rơi trong lòng ống hẹp với độ sâu lớn rất dễ dẫn tới đa chấn thương, không bảo đảm thông khí và điều kiện nhiệt độ, do đó khả năng tiên lượng xấu.

Video: “Đủ điều kiện sẽ đưa trụ bê-tông lên, chuẩn bị mọi tình huống xấu nhất"

Hiện, cơ quan chức năng cũng đã tính tới phương án xử lý cấp cứu ngay tại hiện trường, thậm chí là các phương án xấu hơn.

Đây là sự việc chưa từng có tiền lệ. Tình huống bé trai rơi trong lòng ống hẹp với độ sâu lớn rất dễ dẫn tới đa chấn thương, không bảo đảm thông khí và điều kiện nhiệt độ, do đó khả năng tiên lượng xấu.

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp

"Tới nay, các đơn vị chuyên môn đang tiếp tục làm mềm đất chung quanh để giảm bám dính, ma sát nhằm đưa trụ bê-tông lên bằng thiết bị chuyên dụng khi đủ điều kiện. Sau đó, chúng tôi sẽ thăm dò trong lòng ống để tiếp tục cưa cắt, cứu hộ", ông Bửu nói.

* Tiếp tục cập nhật

HỮU NGHĨA (Phóng viên Báo Nhân Dân cập nhật tại hiện trường)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-thap-sau-2-ngay-chua-the-cuu-be-trai-lot-xuong-tru-be-tong-dai-35m-post732906.html