Tiếp tục quan tâm, giám sát việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
i diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, qua đó đã thu thập và phản ánh trung thực, kịp thời các ý kiến, nguyện vọng của cử tri gửi đến Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Kỳ họp thứ 8 sẽ diễn ra trong hơn một tháng và chắc chắn những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của cử tri sẽ được các đại biểu gửi đến diễn đàn Quốc hội. Ảnh minh họa
Hôm nay 21/10/2019, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Diễn ra trong bối cảnh cả nước chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng đó là, Quốc hội sẽ nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp trước.
Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, Ban Dân nguyện của Quốc hội đã tổng hợp được 2.251 kiến nghị. Qua phân loại, có 2.224 kiến nghị liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp… Đến nay 2.201 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời (đạt 98,97%). Các lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri là lĩnh vực tài nguyên và môi trường; giáo dục và đào tạo; giao thông vận tải; lao động, thương binh và xã hội…
Đối với công tác điều hành của Chính phủ có 2.127 kiến nghị thì đã có 1.745 kiến nghị đã được giải trình, cung cấp thông tin tới cử tri (chiếm 82,90%); 113 kiến nghị đã được tiếp thu và giải quyết xong; 247 kiến nghị đang giải quyết, đó là các kiến nghị liên quan đến sửa đổi, bổ sung 91 văn bản quy phạm pháp luật cần thời gian để tổng kết, đánh giá hoặc cần kinh phí để giải quyết, như nâng cấp, xây dựng một số tuyến quốc lộ; đầu tư cơ sở hạ tầng; chế độ chính sách đối với người có công... Hiện đã có 212/247 kiến nghị trả lời nêu rõ thời hạn dự kiến giải quyết xong, tăng 10% so với kỳ trước.
Về hoạt động của các cơ quan tư pháp, cử tri đã có 36 kiến nghị, liên quan đến một số vấn đề như xét xử công khai những vụ án ma túy; xem xét, giải quyết kịp thời đơn kêu oan của phạm nhân; tiếp tục rà soát, sửa đổi, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự, Tố tụng Hình sự... Toàn bộ kiến nghị đã được Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, trả lời.
Về hoạt động của Quốc hội, ý kiến cử tri đều cho rằng hoạt động của Quốc hội thời gian qua có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực và hiệu quả đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của cử tri. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm đều được các đại biểu Quốc hội tiếp thu và phản ánh tại các phiên thảo luận, chất vấn ở Quốc hội.
Tuy nhiên, cơ quan giám sát cũng cho rằng, một số văn bản trả lời cử tri vẫn còn bất cập, chưa có đủ thông tin để đại biểu Quốc hội trả lời cử tri. Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, trong giải quyết kiến nghị cử tri chưa chặt chẽ, dẫn đến một số kiến nghị chưa rõ trách nhiệm do cơ quan nào chủ trì giải quyết. Một số kiến nghị chưa được giải quyết do một số Bộ chậm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc chậm triển khai các quy định của pháp luật. Một số kiến nghị đã được các Bộ ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị.
Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, còn có tình trạng trả lời chung chung, dưới dạng cung cấp thông tin, trả lời không gắn với việc giải quyết, cá biệt có nội dung trả lời chưa đúng, trả lời chậm, trả lời cho xong; tỷ lệ kiến nghị giải quyết xong còn thấp; các kiến nghị đang trong quá trình xem xét giải quyết cũng còn nhiều; nhiều kiến nghị tồn đọng qua nhiều năm, nhiều kỳ họp chưa được xử lý dứt điểm, đây là những vấn đề cần phải tiếp tục quan tâm và giám sát…
Có thể thấy, quan tâm chất lượng tiếp xúc cử tri, giải quyết tận gốc các vấn đề mà cử tri kiến nghị là nhiệm vụ trọng tâm được Quốc hội thường xuyên thực hiện từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Nhờ đó, chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri ngày càng được nâng cao, nhiều ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri đã từng bước được làm rõ và giải quyết kịp thời, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo. Kết quả này góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Kỳ họp thứ 8 sẽ diễn ra trong hơn một tháng và chắc chắn những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của cử tri sẽ được các đại biểu gửi đến diễn đàn Quốc hội, đồng thời được chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét. Và như vậy, Quốc hội cũng như người đại biểu Quốc hội mới làm tròn trách nhiệm của người đại diện cho tiếng nói, ý chí và nguyện vọng của cử tri ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.